Lũ lụt hoành hành các tỉnh phía bắc

01/09/2018 06:05 GMT+7

Mưa lớn trong những ngày qua khiến lũ lụt , lũ quét hoành hành, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà ở các tỉnh phía bắc, gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng...

Thủ tướng chỉ đạo ứng phó lũ
[VIDEO] Nước sông Mã dâng, hàng ngàn con lợn bơi trong nước lũ
Lũ lịch sử, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập
Tại Thanh Hóa, rạng sáng 31.8, nước từ thượng nguồn đổ về khiến lũ trên sông Mã, sông Bưởi lên nhanh. Sáng cùng ngày, nước sông Mã đoạn qua xã Hồi Xuân (H.Quan Hóa) là 66,05 m, vượt mức báo động 3 khoảng 2,05 m, tương đương đỉnh lũ lịch sử năm 2007; sông Bưởi vượt mức báo động 3 là 0,09 m. Hàng ngàn ngôi nhà ở các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Yên Định, TP.Thanh Hóa… ngập lụt; hàng ngàn héc ta hoa màu ngập sâu trong biển nước; nhiều tuyến giao thông bị tê liệt… Tại H.Cẩm Thủy, chiều 31.8, nước sông Mã dâng khiến 3.978 hộ dân bị ngập sâu 2 - 3 m, gần 20.000 người phải sơ tán; 9 điểm trường, 4 trạm y tế xã bị ngập 2 - 3 m. Tối 31.8, hàng trăm người dân ở xã Cẩm Phong và TT.Cẩm Thủy có nhà ngập phải tập trung ven hai bên đường của trung tâm TT.Cẩm Thủy lánh nạn. Tại xã Cẩm Phong, đa số nhà dân bị ngập, chính quyền địa phương và các hộ dân nấu gần 10.000 suất cơm miễn phí đưa vào tận nhà những hộ bị ngập đang ở lại trên tầng 2 và 3 để cứu trợ. Nhiều người leo lên mái nhà tránh trú. Gia súc, gia cầm lên nóc nhà, ngọn cây đeo bám.
[VIDEO] Ký ức kinh hoàng về đêm chạy lũ của người dân vùng cao Thanh Hóa
QL279 từ H.Văn Bàn (Lào Cai) đi H.Than Uyên (Lai Châu) bị sạt lở Ảnh: Khánh Vân

[VIDEO] Lũ cuồn cuộn khắp Thanh Hóa, dân méo mặt vì mất trắng tài sản
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thanh Hóa, đến chiều 31.8, toàn tỉnh có 123 ngôi nhà bị sập, 49 ngôi nhà bị sạt lở, hơn 4.500 ngôi nhà bị ngập trong lũ; các tuyến quốc lộ 15, 15C, 16, 217, 217B, 47 bị sạt lở ta luy và nhiều điểm ngập nước sâu từ 0,4 - 2 m. Hai huyện Quan Hóa và Mường Lát bị chia cắt với miền xuôi do hàng ngàn mét khối đất đá sạt lở xuống quốc lộ 15C và 15A.
Chiều 31.8, mực nước lũ trên suối Mường Bú chảy qua xã Mường Bú (H.Mường La, Sơn La) chỉ giảm 0,5 m. Hàng chục ngôi nhà ở bản Ta Mo, xã Mường Bú vẫn bị cô lập, nước lũ nhấn chìm cây cầu treo duy nhất dẫn vào bản. Chiều 30.8, lũ cuồn cuộn đổ về suối Mường Bú. Đến sáng 31.8, mực nước lũ trên con suối này dâng cao hơn mực nước lũ bình thường khoảng 7 m. Khắp các xã Mường Bú và Tạ Bú, hàng trăm ngôi nhà ven suối bị nước lũ trùm đến nóc; nước lũ cắt đứt tuyến QL279 đi qua H.Mường La khiến giao thông qua đây bị cô lập.
[VIDEO] Cuộc sống vật vờ trên mái nhà của người dân Thanh Hóa trong lũ lịch sử
Một người dân xã Cẩm Phong (H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa) ăn ngủ trên cổng nhà tránh lũ Ảnh: Minh Hải
Ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước TP.Sơn La, cho biết mưa lũ làm hư hỏng một số tuyến đường ống cấp nước tại khu vực TP.Sơn La và H.Mai Sơn. Hàng ngàn người bị ảnh hưởng khi xí nghiệp không thể vận hành cấp nước. Tại Lào Cai, mưa lũ và sạt lở đất, nghiêm trọng nhất là tại QL279 từ H.Văn Bàn đi H.Than Uyên (Lai Châu) có 3 điểm sạt lở lớn khiến giao thông bị cô lập. Trong ngày, các cơ quan chức năng cho san gạt đường, xử lý các điểm sạt lở, dự kiến chiều 1.9, đường này mới có thể lưu thông.
Tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Yên Bái cho biết, đêm 30 và sáng 31.8, tại TP.Yên Bái có mưa rất to, đã làm mực nước sông Thao tại Yên Bái lên 31,92 m, vượt báo động 2 là 0,92 m, khiến 100 hộ dân bị ngập lụt, chia cắt nhiều tuyến đường trong TP; làm ngập trên 200 ha rau và hoa màu.
Thủy điện xả lũ, nhiều địa phương bị cô lập
Tại Nghệ An, ngày 31.8, nước lũ ồ ạt từ thượng nguồn đổ về các sông gây lũ lớn, khiến các thủy điện tại Nghệ An đồng loạt xả lũ. Thủy điện Bản Vẽ (có hồ chứa lớn nhất Nghệ An hiện nay) trên sông Nậm Nơn (H.Tương Dương) phải xả lũ với lưu lượng 3.844 m3/giây, ngang bằng lượng nước về hồ. Đây là đợt xả lũ lớn nhất của thủy điện này kể từ khi vận hành vào năm 2010. Nước ồ ạt tràn về khiến nhiều xã của 2 huyện Tương Dương và Con Cuông ngập chìm trong lũ, nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn; hàng trăm nhà dân ngập đến mái và nóc nhà, một số ngôi nhà bị cuốn trôi.
Tại H.Kỳ Sơn thuộc thượng nguồn thủy điện Bản Vẽ cũng bị ảnh hưởng nặng nề do lũ. Hai xã Mường Ải và Mường Típ của huyện này bị cô lập hoàn toàn do đường bị ngập sâu và sạt lở. Nước cuốn trôi hoàn toàn 4 phòng học mới xây của Trường tiểu học xã Mường Ải. Tại xã Mỹ Lý, nước nhấn chìm hàng chục ngôi nhà.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hòa Bình, thống kê đến 16 giờ ngày 31.8, mưa lũ, sạt lở đất làm 49 nhà dân tại các huyện Tân Lạc, Kỳ Sơn và Đà Bắc bị thiệt hại và hư hỏng. Tại H.Mai Châu, mưa lớn cùng thủy điện Trung Sơn xả lũ, khiến nước dâng cao, làm ngập nhà của 50 hộ dân xã Vạn Mai. Đoạn QL6 đi qua ngã ba Tòng Đậu (H.Mai Châu), lũ ngập sâu 0,4 m, chiều 31.8 giao thông nơi này đứng trước nguy cơ bị cô lập.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 31.8, vùng áp thấp trên khu vực tây bắc Bắc bộ tiếp tục dịch chuyển về phía tây, tiếp tục gây mưa vừa đến mưa to tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Dự báo, từ ngày 1.9 mưa lớn diện rộng chấm dứt tại khu vực Bắc bộ. Trong 2 - 3 ngày tới, ở vùng núi phía bắc có khả năng xảy ra mưa giông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to.
Ngày 31.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký công điện chỉ đạo ứng phó lũ lớn ở ĐBSCL và mưa lũ tại Bắc bộ. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt diễn biến mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó. Các tỉnh, TP vùng ĐBSCL triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ: kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao; huy động lực lượng, phương tiện... tập trung gia cố, chống tràn, bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao trọng điểm; rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch và tại các khu vực ngập lụt để có các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, tổ chức sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu…
Các tỉnh miền núi phía bắc và bắc Trung bộ tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất... để bảo đảm tính mạng cho người dân. Triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập theo cấp báo động. Bộ NN-PTNT tổ chức vận hành an toàn các hồ đập và công trình thủy lợi, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều…

Triệu tập 2 đối tượng tung tin đồn thủy điện Trung Sơn ở Thanh Hóa bị vỡ
Ngày 31.8, Công an H.Quan Hóa (Thanh Hóa) triệu tập Lữ Chính Quyền (29 tuổi, ngụ TT.Quan Hóa) và Hà Văn Mười (22 tuổi, ngụ xã Hồi Xuân, H.Quan Hóa) để làm rõ việc tung tin vỡ đập thủy điện Trung Sơn. Tối 30.8, trên Facebook, Quyền và Mười đăng tin vỡ đập thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa), kêu gọi người dân chạy lũ. Thông tin trên lan nhanh gây hoang mang dư luận, nhất là đối với những người dân vùng hạ nguồn của thủy điện. Tại cơ quan công an, Quyền và Mười khai, do thấy mực nước trên sông Mã lên cao, nghĩ đã xảy ra vỡ đập nên đăng tải để câu "like". Theo Chi cục Đê điều - Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, hoàn toàn không có chuyện vỡ đập thủy điện Trung Sơn. Thực tế, từ đêm 28.8, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, thủy điện Trung Sơn đã xả lũ theo đúng các quy định vận hành hồ thủy điện.
Sáng 31.8, tại Nghệ An xuất hiện tin đồn vỡ đập thủy điện Bản Vẽ khiến người dân ở huyện Tương Dương và Con Cuông hoang mang. Nhiều người dân chạy lên núi căng lều bạt để lánh nạn. Tuy nhiên, ngay sau đó chính quyền đã nhanh chóng bác bỏ tin đồn vỡ đập, cho phát loa thông báo để trấn an người dân và yêu cầu công an vào cuộc điều tra người tung tin đồn.
Ái Châu - K.Hoan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.