Lư Nhất Vũ - Lê Giang: Cuộc đồng hành suốt 30 năm

12/01/2014 03:25 GMT+7

Có thể gọi họ là một 'cặp đôi hoàn hảo' bởi luôn gắn bó với nhau không chỉ trong cuộc đời mà cả nghệ thuật, đồng hành suốt 30 năm sưu tầm, nghiên cứu dân ca…

>> Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ra sách chào mừng Đại hội Đảng

 Vợ chồng nghệ sĩ Lê Giang - Lư Nhất Vũ - Ảnh: H.Đ.N
Vợ chồng nghệ sĩ Lê Giang - Lư Nhất Vũ - Ảnh: H.Đ.N

Về miền Trung soạn Bài ca đất phương Nam

Quả thật, suốt một đời cô chú đã dìu nhau đi mút cánh đồng văn chương truyền khẩu của tiền nhân để lại.

Cách đây hơn 2 tháng, người viết nhận được cuốn Lư Nhất Vũ - Bài ca đất phương Nam (NXB Văn hóa Văn nghệ), một cuốn sách “bề thế” dày ngót nghìn trang giấy với hình bìa là lão nhạc sĩ tóc bay trong gió lộng, tuy già nhưng vẫn rất nghệ sĩ... Đã tính viết giới thiệu cuốn sách, nhưng lại nghĩ đây là công trình cả đời của một tác giả lớn, phải viết sao cho đầy đặn, đàng hoàng. Tuy nhiên do cô chú Lê Giang - Lư Nhất Vũ đã chuyển chỗ ở (từ TP.HCM ra Phan Thiết) nên không thể gặp trực tiếp để trao đổi. May sao, có một cuộc hội ngộ tình cờ với cô chú ở Phan Thiết. Thế là không chỉ gặp gỡ, chúng tôi còn có dịp đến thăm chỗ ở mới của “đôi uyên ương” này. Đó là một căn hộ nằm trong khu resort Xóm Chài (P.Tiến Thành), cách TP.Phan Thiết 6 km. Chủ nhân resort này là nhà văn Văn Định, gốc An Giang. Cùng là dân miền Tây với nhau nên anh Văn Định mời cô chú Lê Giang - Lư Nhất Vũ về resort của mình chơi. Cô Lê Giang nói về Văn Định: “Thằng đó có máu anh chị”. Dân miền Nam nói “anh chị” tức là giang hồ, số má!

Khu resort nằm sát biển, không khí trong lành và tĩnh lặng rất thích hợp cho việc sáng tác, biên khảo. Chính nơi đây nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã tuyển chọn những sáng tác của mình, từ thời mới tập kết (chính xác là bài Giã từ viết ngày 2.7.1955) đến tận bây giờ. Trong đó ngoài hơn 161 ca khúc còn có các bài hát dành cho thiếu nhi, trường ca, hợp xướng, nhạc cảnh... Có thể nói, tuyển tập Bài ca đất phương Nam đã lưu lại rất đầy đủ nhạc mục của ông. Ông tâm sự: “Vẫn còn tiếc đứt ruột, bởi một tổng phổ viết cho đàn đá Khánh Sơn, mình cho một đoàn nghệ thuật mượn và họ làm thất lạc”.

Đi tìm kho báu vô hình

“Chàng” là nhạc sĩ tài hoa còn “nàng” là một nhà thơ đằm thắm và sâu lắng. Tuy nhiên, hành trình nghệ thuật của họ không hề tách biệt, riêng rẽ. Chính trong các ca khúc Hãy yên lòng mẹ ơi, Bài ca đất phương Nam đều có hơi hướm của nhà thơ. Đặc biệt, suốt 30 năm nay, họ đã cùng dìu nhau đi suốt chiều dài đất nước, lên non xuống biển để làm công việc của những nhà sưu tầm đầy tâm huyết. Mà đích nhắm của việc sưu tầm này không nằm ở giá trị vật chất mà là những kho báu phi vật thể. Đó là những di sản văn hóa dân gian, những dòng văn chương truyền khẩu mà người nhớ, thuộc không còn bao nhiêu và nếu không kịp ghi âm, ký âm lại thì sẽ có nguy cơ thất truyền. Có thể ví công việc của cô chú như ngậm ngải lên rừng tìm trầm, đeo đá lặn xuống biển mò ngọc trai…

Năm 2005, công trình nghiên cứu Hát ru Việt Nam của Lư Nhất Vũ - Lê Giang được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Công trình được đánh giá là công phu nhất, đầy đủ nhất về hát ru (gồm 152 bài hát ru của người Việt cả 3 miền và của đồng bào dân tộc thiểu số). Nhưng tâm đắc nhất có lẽ là công trình Đi tìm kho báu vô hình (2013 - đang in) của cô chú. Cả hai đều có gốc gác ở Nam bộ nên Đi tìm kho báu vô hình chính là món quà của cô chú dành cho quê hương. Tác phẩm dày ngót 500 trang này bắt đầu từ tâm huyết và việc làm (sưu tầm dân ca) của đôi vợ chồng nghệ sĩ đã “gây men” cho những người xung quanh với nhiều lứa tuổi. Họ tập họp thành đoàn sưu tầm. Lên rừng (Sông Bé, Chiến khu Đ…), xuống biển (Bến Tre, Kiên Giang, Phú Quốc…) và khắp Nam bộ với những kỷ niệm vui buồn, xen lẫn những tình tiết hài hước, ngộ nghĩnh khó quên.

Ngoài việc giới thiệu các loại hình dân ca Nam bộ (hát ru, lý, hò, nói thơ, nói vè, thơ rơi, đồng dao, hát sắc bùa, bóng rỗi…), còn có những nhận định sâu sắc của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sau bao năm miệt mài sưu tầm, thống kê… Những phân tích về âm nhạc, dấu giọng khi hát (không chỉ riêng cho dân ca) và cả những lời nhắn nhủ phải xử sự cho phải đạo, công bằng với dân ca. Những bài viết của nhà thơ Lê Giang bằng chất giọng Nam bộ “nghĩ sao, nói vậy” rất tự nhiên pha lẫn hóm hỉnh gây tò mò, thích thú cho người đọc qua những tựa đề khá… lạ: Diễn thuyết bằng…văn vần, Những cuộc tình trong câu hát xưa của Sài Gòn-Gia Định, Thi…khóc vì tình, Có một kiểu hôn như thế, Thuật yêu đương của các bậc sư phụ… Công trình khép lại bằng những bài dân ca hát về tình yêu của các sắc tộc S’tiêng, Khmer, Mơ Nông…

Cách đây hơn một năm (tháng 12.2012), Lư Nhất Vũ - Lê Giang cũng đã từng “đồng thanh” tung ra 2 tác phẩm: Ngày ấy qua rồi (hơn 30 bài viết dạng “tự truyện” của Lư Nhất Vũ) và Ừa, chỉ có vậy thôi (gồm 46 tản văn của Lê Giang). Đó là những hoài niệm về một thời thanh xuân để làm nguồn “dinh dưỡng” cho bước đường đồng hành rất lâu dài của 'cặp đôi hoàn hảo' này.

Hà Đình Nguyên

>> TP.HCM đưa dân ca vào tiết học chính khóa
>> Yêu Phương Mỹ Chi, thí sinh Vietnam Idol thi hát dân ca trữ tình
>> Giao hưởng 'giao duyên' dân ca
>> Nét duyên của dân ca
>> Đưa dân ca vào trường học
>> Dàn ca sĩ nổi tiếng với "Tình khúc vượt thời gian
>> Liên hoan Dân ca khu vực bắc miền Trung
>> Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - Kỳ 8: Rong ruổi đất phương Nam
>> Liên hoan ẩm thực Đất Phương Nam
>> Khai mạc Liên hoan ẩm thực Đất Phương Nam lần 3
>> Nghệ sĩ hài Xuân Hinh xông đất phương Nam
>> Vợ chồng nghệ sĩ Phước Sang - Kim Thư bị đe dọa
>> Vợ chồng nghệ sĩ Hồ Bông - Thanh Trì vào bệnh viện
>> Vợ chồng nghệ sĩ Quang Minh - Hồng Đào... số đỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.