Đó là nội dung của chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Chọn ngành học cho tương lai: Lưu ý
khi chọn khối ngành kinh tế, quản lý” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 22.2, tại các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
Các chuyên gia đưa ra nhiều thông tin cần thiết cho thí sinh khi xét tuyển vào khối ngành kinh tế, quản lý |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Nhiều thí sinh nộp hồ sơ liệu có cơ hội trúng tuyển ?
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết xu thế lựa chọn các lĩnh vực về kinh tế và quản trị ngày càng tăng, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các quốc gia phát triển. “Thí sinh (TS) cần lưu ý, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu và yêu cầu nguồn nhân lực có những thay đổi đáng kể, khi mà đại dịch đã thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển nhanh hơn. Chính vì thế, thị trường lao động có những yêu cầu mới về nhân lực”.
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng phần lớn các trường đều dành khối lượng chỉ tiêu khá lớn cho nhóm ngành kinh tế, kinh doanh. Chẳng hạn tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chỉ tiêu là 16.000 cho các ngành như marketing, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, chiếm gần 1/3 tổng chỉ tiêu.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Mở TP.HCM, chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế chiếm gần 50% trong tổng số 4.900 chỉ tiêu. PGS-TS Lê Thanh Tùng, Phó trưởng khoa Kinh tế và quản lý công của trường, thông tin ngoài xét học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT, trường còn tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, ưu tiên xét tuyển đối với TS có chứng chỉ IELTS, SAT… “Đây là lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao, do Việt Nam, đặc biệt TP.HCM là một nơi có môi trường kinh doanh phát triển, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài, nền kinh tế có độ mở cao…; chính vì thế cơ hội việc làm của TS chọn khối ngành này là rất lớn”, PGS-TS Tùng nhận định.
Các chuyên gia cho biết mặc dù số lượng TS nộp hồ sơ đông hơn hẳn các nhóm ngành khác nhưng do chỉ tiêu lớn nên cơ hội trúng tuyển cũng rất cao.
Cơ hội việc làm rộng mở
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết: Đây cũng là nhóm ngành tập trung TS đông nhất. Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này cũng rất rộng mở. Hầu hết các ngành đều xét các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Đây cũng là khối ngành có phương thức xét tuyển đa dạng nhất.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, thông tin trong số 59 ngành đào tạo của trường thì có 12 ngành kinh tế, chiếm khoảng 40%, mỗi ngành có sức thu hút khác nhau.
Còn thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho hay thời gian qua các doanh nghiệp đến trường đặt vấn đề tuyển dụng rất nhiều, phỏng vấn tại chỗ để nhận sinh viên ngay từ năm 4. Trường cũng dành nhiều chỉ tiêu cho nhóm ngành kinh doanh, quản lý như kế toán, ngân hàng, quản trị kinh doanh… và tỷ lệ cạnh tranh cũng khá cao.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, nhấn mạnh TS cần có sự tỉnh táo để thấy năng lực mình có phù hợp hay không.
Học song bằng sao cho phù hợp
Nhiều TS theo dõi chương trình quan tâm đến việc học song bằng khi theo học khối ngành kinh tế, quản lý. Tiến sĩ Võ Thanh Hải chia sẻ: TS cần lưu ý điểm sàn xét tuyển (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) chỉ là mức điểm nhận hồ sơ. Sau đó căn cứ trên chỉ tiêu từng ngành và số lượng TS nộp, các trường mới công bố điểm trúng tuyển. Điểm trúng tuyển nhiều trường khác nhau và các chương trình của cùng một trường cũng khác nhau.
Tiến sĩ Hải nói thêm, Bộ GD-ĐT cho phép các trường đào tạo cùng lúc 2 chương trình (song bằng). TS ít khi học 2 ngành trong cùng một lĩnh vực mà nên kết hợp ở 2 lĩnh vực khác nhau, ví dụ học ngành luật thì kết hợp với ngôn ngữ, kinh tế kết hợp với ngôn ngữ… Một số trường cho phép TS chuyển trong cùng một khối ngành ngay trong quá trình nhập học nếu điểm trúng tuyển bằng nhau. Vì vậy, TS phải đọc đề án tuyển sinh của từng trường để nắm thông tin cụ thể.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho hay trong khối ngành kinh tế của Trường ĐH Văn Lang, ngành quản trị kinh doanh và marketing luôn có điểm chuẩn cao nhất, hơn các ngành khác 5 - 6 điểm; bất động sản, logistics và quản trị chuỗi cung ứng cũng có mức điểm chuẩn cao. Điểm chuẩn của mỗi đợt xét tuyển cũng khác nhau, thường các đợt sau điểm luôn cao hơn đợt trước.
Để giúp TS tránh những sai sót khi đăng ký hồ sơ xét tuyển, thạc sĩ Trần Mạnh Thái lưu ý do có nhiều hình thức xét tuyển nên trước hết TS phải lưu tâm về thời gian nộp hồ sơ của từng trường, những ngành mình quan tâm, trường mình mong muốn nộp hồ sơ... Các trường đưa ra nhiều phương thức là tạo nhiều cơ hội nên TS đừng chờ cơ hội ở phương thức cuối cùng mà tận dụng ngay từ đầu.
Ý KIẾN
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: “Đây cũng là nhóm ngành tập trung thí sinh đông nhất. Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này cũng rất rộng mở”
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: “Thời gian qua các doanh nghiệp đến trường đặt vấn đề tuyển dụng rất nhiều, phỏng vấn tại chỗ để nhận sinh viên ngay từ năm 4”
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn: “Trong khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh và marketing luôn có điểm chuẩn cao”
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái: “Do có nhiều hình thức xét tuyển nên trước hết TS phải lưu tâm về thời gian nộp hồ sơ của từng trường, những ngành mình quan tâm, trường mình mong muốn nộp hồ sơ...”
Bình luận (0)