Tuyển sinh đại học 2022: Cơ hội cho thí sinh chọn khối ngành kinh tế, quản lý

22/02/2022 15:19 GMT+7

Trong buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 22.2, đại diện các trường ĐH nêu ra những thách thức cũng như cơ hội việc làm rộng mở cho thí sinh chọn khối ngành kinh tế, quản lý.

Nhiều năm nay khối ngành liên quan đến kinh tế - quản lý luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của thí sinh. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ tuyển sinh năm 2021, khối ngành kinh doanh quản lý chiếm tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất (32,77%).

Nếu chỉ xét nguyện vọng 1 thì nhóm ngành này chiếm 186,1%, đứng thứ 6 trong những nhóm ngành hút thí sinh nhất. Như vậy, nhóm ngành này được nhiều thí sinh lựa chọn cho các nguyện vọng tiếp theo, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1.

Các chuyên gia trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Lưu ý khi chọn khối ngành kinh tế, quản lý"

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Lưu ý khi chọn khối ngành kinh tế, quản lý", tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, lưu ý: "Các chuyên gia dự báo sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế sẽ được phục hồi và phát triển vượt bậc, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn".

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân

Theo tiến sĩ Hải, trong năm 2021, khối ngành kinh tế, kinh doanh, quản lý, tổng số nguyện vọng là 118.579 nguyện vọng trong khi 544.578 chỉ tiêu, chiếm 1/4. "Có 4 điểm cần lưu ý: khối ngành này có lượng chỉ tiêu nhiều nhất, hầu như các trường đều đào tạo. Đây cũng là nhóm ngành tập trung thí sinh đông nhất. Hầu hết các ngành đều xét toán, văn, ngoại ngữ - 3 môn bắt buộc của kỳ thi THPT. Ngoài ra, các em thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội cũng đều có cơ hội xét khối ngành này. Cuối cùng là phương thức xét tuyển khối ngành này đa dạng nhất. Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này cũng rất rộng mở", tiến sĩ Hải chia sẻ.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết nhà trường có 59 ngành đào tạo, trong đó có 12 ngành kinh tế. "Điều này cho thấy khối ngành kinh tế chiếm tỷ lệ lớn trong khối ngành đào tạo của trường".

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM

Bên cạnh đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, nhìn nhận: "Trong hai năm vừa qua, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực kinh tế, nhất là nhóm nhà hàng, khách sạn và du lịch". Theo ông Nguyên, nay dịch bệnh phần nào được kiểm soát nên nhóm ngành nghề kinh tế đang rất cần nguồn nhân lực, nhất là bộ phận sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hoạt động chăm sóc, kết nối cộng đồng.

"Thời gian qua, các doanh nghiệp đến trường đặt vấn đề tuyển dụng rất nhiều, phỏng vấn tại chỗ để nhận sinh viên ngay từ năm 4. Trường cũng dành nhiều chỉ tiêu cho nhóm ngành kinh doanh, quản lý như kế toán, ngân hàng, quản trị kinh doanh… tỷ lệ cạnh tranh cũng khá cao", ông Nguyên lưu ý.

Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến

Tương tự, thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: "Nhu cầu nhân sự khá cao và chỉ tiêu đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế không thấp nhưng thí sinh cần có sự tỉnh táo để thấy năng lực mình có phù hợp hay không? Việc lựa chọn đúng sẽ tránh gặp tình huống có năng lực nghiệp vụ lại chọn lĩnh việc quản lý hay ngược lại".

Khó dự đoán điểm chuẩn trúng tuyển khối ngành kinh tế

Tiến sĩ Hải chia sẻ: "Điểm chuẩn trúng tuyển khối ngành kinh tế năm nay đến thời điểm này chưa thể dự đoán được. Thí sinh cần lưu ý điểm sàn xét tuyển (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) chỉ là mức điểm nhận hồ sơ. Sau đó, căn cứ vào chỉ tiêu từng ngành và số lượng thí sinh nộp, các trường mới công bố điểm trúng tuyển. Dù xét bằng phương thức nào thì thí sinh cũng cần tốt nghiệp THPT. Các em có thể lên website của trường để tham khảo điểm trúng tuyển của những năm trước".

Theo ông Hải, điểm trúng tuyển của nhiều trường khác nhau và các chương trình của cùng một trường cũng khác nhau. Chẳng hạn, có các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, chương trình hợp tác quốc tế, chương trình tiên tiến hoặc chất lượng cao và chương trình đại trà.

"Bộ GD-ĐT cũng cho phép các trường đào tạo cùng lúc 2 chương trình (song bằng). Theo kinh nghiệm của tôi, ít có sinh viên nào học 2 ngành trong cùng một lĩnh vực mà nên kết hợp ở 2 lĩnh vực khác nhau, ví dụ luật kết hợp với ngôn ngữ, kinh tế kết hợp với ngôn ngữ… Một số trường cho phép thí sinh chuyển ngành trong cùng một khối ngành ngay trong quá trình nhập học nếu điểm trúng tuyển bằng nhau. Do đó, các em phải đọc đề án tuyển sinh của từng trường để nắm thông tin cụ thể", ông Hải lưu ý.

Nhiều phương thức xét tuyển

Thạc sĩ Nguyên cho hay hiện nay các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và mức điểm xét tuyển căn cứ vào số lượng hồ sơ đăng ký và phổ điểm. "Trong năm 2022, qua đợt nhận hồ sơ vừa qua, số hồ sơ đăng ký xét tuyển theo học bạ nhỉnh hơn năm trước nên điểm chuẩn có thể khác nhau nhưng nếu có nhiều thí sinh đăng ký hơn thì điểm trúng tuyển sẽ nhỉnh hơn", ông Nguyên lưu ý.

Theo ông Nguyên, thí sinh có thể căn cứ vào năng lực của mình để cân nhắc chọn học song ngành và song bằng, học cùng lúc 2 ngành, học cùng lúc 2 trường là đối tác của nhau.

Xem kỹ đề án tuyển của các trường ĐH

Tiến sĩ Tuấn khuyên thí sinh nên xem kỹ đề án tuyển sinh của trường ĐH mình muốn học, từ đó chọn ngành phù hợp với sở trường.

"Các em có thể vào website của trường tìm hiểu xem ngành học đó học gì, ra trường làm việc ở đâu… Trong khối ngành kinh tế, Trường ĐH Văn Lang có 16 ngành, với mức điểm chuẩn khác nhau. Chẳng hạn, ngành quản trị kinh doanh và marketing luôn có điểm chuẩn cao nhất, hơn các ngành khác 5 - 6 điểm. Bên cạnh đó, bất động sản, logistics và quản trị chuỗi cung ứng cũng có mức điểm chuẩn cao", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn đồng thời lưu ý thí sinh xem kỹ học lực của mình trong học bạ để xác định điểm có phù hợp hay không. Điểm chuẩn của mỗi đợt xét tuyển cũng khác nhau và thường các đợt sau điểm luôn cao hơn đợt trước. Ông Tuấn nói thêm: "ĐH Văn Lang cũng đào tạo song bằng, hết năm nhất, sinh viên có thể chọn thêm một ngành học. Ngành quan hệ công chúng hiện là ngành rất phù hợp trong điều kiện hiện nay, có chỉ tiêu và lượng hồ sơ chiếm 14% trong 59 ngành của trường".

Cơ hội học song bằng

Theo tiến sĩ Hải, ĐH Văn Lang cũng đào tạo song bằng, hết năm nhất các em có thể chọn thêm một ngành học. Ông Hải lưu ý: "Các trường đang tiến tới đào tạo bổ sung thêm 2 nhóm kiến thức quan trọng cho nhóm ngành kinh tế là công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Các em thi tốt nghiệp THPT có 3 môn toán, văn, ngoại ngữ thì hầu hết các trường đào tạo kinh doanh và quản lý đều có xét tổ hợp môn này".

Bên cạnh đó, tiến sĩ Tuấn, cho hay sinh viên học bất cứ ngành nào thì cũng rất cần kỹ năng tin học và ngoại ngữ để dễ kiếm việc làm và có mức lương cao hơn. Hai kỹ năng này hỗ trợ lớn cho chuyên môn nên xu hướng đào tạo các trường cũng hướng đến đó, theo ông Tuấn.

Những ngành thu hút nhiều thí sinh đăng ký

Trong xu hướng lựa chọn ngành nghề năm 2022, nhóm ngành kinh tế và quản lý hiện nay có ngành quản trị kinh doanh, thương mại điện tử, kinh doanh quốc tế, quan hệ công chúng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, marketing đang được nhiều thí sinh lựa chọn nộp hồ sơ, theo thạc sĩ Nguyên.

Ông Nguyên cho biết thêm: "Đối với ngành quản trị văn phòng, khi trúng tuyển, thí sinh sẽ được căn cứ vào tổ hợp môn, chỉ cần đảm bảo mức điểm trúng tuyển. Nhiều bạn có tiếng Anh chưa tốt đều được các trường ĐH hỗ trợ để có được kỹ năng mềm và ngoại ngữ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.