Những ngành sôi động trên thị trường tuyển dụng
Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự tại Navigos Group, nhìn nhận các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh vừa trải qua một năm đầy biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, trong quý 1/2022, tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực này đang nhộn nhịp trở lại do các doanh nghiệp bắt đầu sử dụng nguồn ngân sách mới.
"Bên cạnh đó, các vị trí công nghệ thông tin và bán hàng cũng đang được doanh nghiệp tài chính - ngân hàng tuyển dụng số lượng lớn. Theo quan sát của chúng tôi, các ngân hàng cũng như các công ty trong mảng tài chính có xu hướng tập trung xây dựng kế hoạch cho năm mới. Dự báo trong năm 2022 nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp này sẽ tăng cao. Lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông cũng vẫn là ngành sôi động trên thị trường tuyển dụng. Thị trường đang xuất hiện các công ty trong mảng IT đầu tư vào VN thông qua việc mở văn phòng đại diện hoặc thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển về kỹ thuật. Các doanh nghiệp mong muốn chiêu mộ được nhân sự giỏi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) - Crypto và chuỗi khối (Blockchain). Tuy nhiên, nguồn cung nhân sự cho các mảng này lại chưa có nhiều nên dẫn đến sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp", bà Linh chia sẻ.
Đặc biệt ngành bất động sản công nghiệp và nghỉ dưỡng được Navigos Search dự báo là sẽ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Bà Linh phân tích: "Các dự thảo về luật Bất động sản nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện cho nhiều dự án bất động sản mới ra thị trường. Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển bất động sản công nghiệp sang VN cũng như các hoạt động mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này tăng, nên nhu cầu tuyển dụng trong ngành này sẽ tăng. Các vị trí mà doanh nghiệp cần bao gồm phát triển dự án, quản lý kinh doanh và tiếp thị, quản lý thiết kế, pháp lý dự án, pháp lý đầu tư, kế hoạch và phát triển chiến lược".
Ngành du lịch dự báo sẽ tuyển dụng nhiều trong năm 2022 |
V.T |
TP.HCM cần gần 300.000 lao động các trình độ
Vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đã có cuộc khảo sát trực tiếp tại 2.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, khảo sát gián tiếp với 15.642 lượt doanh nghiệp thông qua mẫu Google Form, khảo sát trực tiếp nhu cầu tìm việc của 12.000 sinh viên, học viên tại 80 trường ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng với 2.000 người lao động tại các phiên, sàn giao dịch, ngày hội việc làm, đơn vị dịch vụ việc làm.
Qua kết quả khảo sát, năm 2021 nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như kinh doanh thương mại, biên - phiên dịch, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, kế toán - kiểm toán, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống, tiếp thị... và sẽ tiếp tục tăng ở một số ngành nghề.
Theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, với sự nỗ lực không ngừng, nhiều lĩnh vực như khoa học ứng dụng, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật y sinh, hóa học, sinh học, phân tích dữ liệu… đã và sẽ vươn lên phát triển mạnh mẽ, thị trường lao động cũng sẽ có nhiều chiều hướng phát triển tích cực trong thời gian tới.
Ông Vân thông tin: "Năm 2022, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản”.
Theo ông Vân, sẽ có 2 kịch bản cho thị trường lao động. Ở kịch bản thứ nhất, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, thì dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 255.000 - 280.000 người. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I là 71.500 - 78.500 người, quý 2 là 59.600 - 65.500 người, quý 3 60.600 - 66.500 người và quý 4 là 63.300 - 69.500 người.
Ở kịch bản thứ 2, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 là khoảng 280.000 - 310.000 người. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý 1 là 78.500 - 86.900 người, quý 65.500 - 72.500 người, quý 3 là 66.500 -73.500 người và quý 4 là 69.500 - 77.100 người. Trong đó, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, hoạt động kinh doanh bất động sản, công nghiệp - xây dựng, vận tải kho bãi, lưu trú và ăn uống, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm...
"Về trình độ chuyên môn, nhân lực có trình độ ĐH trở lên chiếm 20,74% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng, cao đẳng chiếm 18,49%, trung cấp là 24,43% và sơ cấp là 22,52%", ông Vân cho biết thêm.
Bình luận (0)