Cơ hội việc làm khi du lịch mở cửa hoàn toàn

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
13/12/2021 06:06 GMT+7

Thông tin năm 2022 du lịch mở cửa hoàn toàn nhằm góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 , sẽ mở ra một cơ hội lớn cho bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp.

Mới đây ngày 7.12, tại tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” diễn ra tại Báo Thanh Niên, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, cho biết sẽ mở cửa du lịch toàn bộ vào năm 2022. Hiện nay cũng đã có 5 địa phương được phép thí điểm mở cửa du lịch, trong đó có 3/5 địa phương đã đón khách quốc tế là Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa.

Nhiều nhân sự tìm cách chuyển đổi công việc

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tổ chức nhân sự, Công ty du lịch Vietravel, cho biết: "Mặc dù công ty rất cố gắng quan tâm, chia sẻ, thực hiện đầy đủ các thủ tục để người lao động được nhận đầy đủ theo các gói hỗ trợ của nhà nước, tuy nhiên việc biến động nhân sự là không tránh khỏi. Số lượng nhân sự nghỉ việc chiếm khoảng 18%. Trong số nhân sự còn gắn bó với công ty, thì chỉ có 35% được bố trí đi làm xen kẽ, chủ yếu vẫn là hình thức làm việc tại nhà. Còn lại 65% đang phải nghỉ không lương".

Hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn khách trong một chuyến du lịch trên sông

V.T

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Phi, Giám đốc khách sạn Thiên Hồng (thuộc Tổng công ty du lịch Sài Gòn), có không ít người trong số những nhân sự bị mất việc hoặc nghỉ việc không lương đã chuyển đổi sang công việc khác. "Dịch kéo dài quá lâu, doanh nghiệp đóng băng khiến họ không thể chờ đợi nên phải tìm việc khác để làm. Chính vì vậy, khi du lịch được hoạt động trở lại, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn không nhỏ về nhân sự. Nếu không có kế hoạch tuyển dụng hợp lý có thể sẽ thiếu người trong giai đoạn cần nhanh chóng phục hồi để phát triển", ông Phi nhìn nhận.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy Nguyệt, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho hay dịch bệnh Covid-19 đã đẩy nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp vào thế khó khăn nên lứa sinh viên tốt nghiệp ở giai đoạn này khó tránh khỏi tình trạng chờ việc hoặc phải tìm cách chuyển đổi để thích ứng.

Tin tưởng vào cơ hội lớn sau đại dịch

Ông Mario Mendis, Tổng quản lý khách sạn Sofitel, TP.HCM, khẳng định: "Để chuẩn bị cho thời gian sắp tới khi thị trường du lịch mở cửa trở lại, chúng tôi đang tìm kiếm nhân sự cho các vị trí tại bộ phận ẩm thực, lễ tân và quản gia. Chúng tôi hiện đang làm việc và đàm phán với một số trường đại học tại Việt Nam. Các sinh viên mới tốt nghiệp luôn được chào đón đến với khách sạn của chúng tôi. Kể cả những sinh viên sau khi kết thúc chương trình thực tập tại khách sạn, nếu đạt đủ yêu cầu hoàn toàn có thể trở thành nhân viên chính thức của công ty".

Ông Mario cho biết thời gian qua hầu hết công suất các khách sạn 5 sao ở Việt Nam như Sofitel đều giảm từ 70 - 80% so với trước dịch khiến công ty phải cắt giảm 65% nhân sự. Tuy nhiên, gần đây nhu cầu của khách nội địa đã tăng cao. "Chúng tôi đã và đang có kế hoạch tuyển dụng lại 50% số nhân sự bị cắt giảm này trong quý 1/2022", ông Mario thông tin thêm.

Theo bà Hương, trong trường hợp mở cửa trở lại, việc đầu tiên công ty sẽ thực hiện là mời các nhân sự đang nghỉ không lương quay lại làm việc, hoặc ưu tiên tuyển dụng lại các nhân sự cũ đã nghỉ trong thời gian dịch. Nếu nhân sự cũ đã có công việc khác và không quay lại, thì cơ hội dành cho sinh viên vừa tốt nghiệp chưa có việc làm là rất cao, nhất là trong 2 - 3 năm tới khi ngành du lịch phục hồi và cần nguồn nhân lực trẻ, có nhiệt huyết, có kiến thức và trình độ ngoại ngữ.

Trong khi đó, khách sạn Thiên Hồng cũng có nhu cầu tuyển mới từ 30 - 40 người. Ông Nguyễn Hoàng Anh Phi nhận định: "Không chỉ doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng cần tuyển dụng lại, mà những doanh nghiệp trước đó tạm ngưng hoạt động, nay họ mở cửa trở lại sẽ cần tuyển rất nhiều. Một khách sạn tầm trung cũng cần tuyển đến vài chục nhân sự. Vì thế, bạn trẻ học ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn không lo không kiếm được việc".

Mặc dù cơ hội việc làm rất lớn, nhưng theo các chuyên gia, bạn trẻ phải bổ sung rất nhiều kiến thức và kỹ năng mới có thể làm việc tốt trong bối cảnh mới sau đại dịch.

Để có năng lực cạnh tranh trong công việc, bà Trần Thị Việt Hương cho biết mỗi vị trí đòi hỏi các kỹ năng, chuyên môn khác nhau. Ví dụ, hướng dẫn viên phải thành thạo kiến thức tuyến điểm, kiến thức xã hội của thời kỳ hậu Covid-19, còn nhân viên marketing sẽ cần kỹ năng ở mảng truyền thông trực tuyến khi các hình thức quảng cáo, truyền thông truyền thống đã mất dần vị thế. Ông Nguyễn Hoàng Anh Phi thì nhấn mạnh bạn trẻ trong ngành du lịch cần nhất là khả năng tự học hỏi thích nghi, trình độ ngoại ngữ tốt, có năng lực ứng dụng công nghệ vào công việc và luôn giữ được "lửa nghề".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.