Lừa đảo thương mại quốc tế gia tăng

Chí Nhân
Chí Nhân
11/03/2022 06:33 GMT+7

Vụ việc các doanh nghiệp (DN) ngành điều đứng trước nguy cơ bị lừa mất 36 container hàng trị giá trên 160 tỉ đồng cho thấy lừa đảo thương mại quốc tế ngày càng tăng.

Cảnh báo liên tục, vẫn bị lừa

Năm 2019, một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bị lừa gần 1,5 tỉ đồng khi bán hàng cho một đối tác ở Senegal (châu Phi). DN này đã gửi thư đến Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal nhờ hỗ trợ đòi tiền. Chuyện là công ty này bán cho DN có tên GSN International tại Dakar, Senegal một container tiêu đen 40 feet trị giá 61.750 USD (gần 1,5 tỉ đồng). Hình thức thanh toán là CAD (trao chứng từ trả tiền ngay) 100% thông qua ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi giao hàng, người mua đã nhận bộ chứng từ, lấy hàng ra khỏi cảng gần 2 tháng nhưng không thanh toán. Công ty xuất khẩu Việt Nam đã liên lạc với người mua nhiều lần nhưng không được. Phía ngân hàng người mua tại Senegal trả lời là người ký nhận bộ chứng từ (do khách hàng giới thiệu) không làm việc tại ngân hàng này.

Doanh nghiệp cần trang bị thêm kiến thức về luật và thông lệ giao dịch với đối tác nước ngoài

Chí Nhân

Thực tế mấy năm gần đây, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công thương và một số đơn vị liên quan cũng liên tục có cảnh báo về lừa đảo thương mại quốc tế với rất nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Ví dụ như Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cảnh báo về Công ty Jilani International đã và đang lừa đảo DN Việt Nam trong việc bán nguyên liệu thủy sản. Sau khi DN Việt chuyển tiền đặt cọc qua ngân hàng, công ty này rút toàn bộ và cắt đứt mọi liên lạc. Điều đáng nói là... ngân hàng tại Pakistan cũng không thể liên lạc được với công ty này vì đó là công ty “ma”.

Đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, tình trạng lừa đảo quốc tế càng gia tăng. Năm 2021, Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cảnh báo về việc một số doanh nghiệp nước này có dấu hiệu lừa đảo, nhận hàng nhưng không trả tiền; Làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; Sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì hack email (hoặc tạo 1 tài khoản email có địa chỉ gần giống với email của bên bán) để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.

Hay Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy cũng cảnh báo tình trạng mạo danh các công ty của Na Uy để lừa đảo đối tác nước ngoài. Đối tượng lừa đảo lập các website giả danh các công ty xuất khẩu thủy sản có thật với đầu mối liên hệ là giả mạo. Lợi dụng tâm lý cho rằng Na Uy là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, các nạn nhân khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên tiến hành gấp sợ lỡ cơ hội, không chịu kiểm tra kỹ thông tin về đối tác... Cảnh sát Na Uy cho biết đã được báo cáo về 40 trường hợp lừa đảo trong thời gian qua, và cho rằng con số thực tế còn lớn hơn.

Giao dịch nóng vội, không bài bản

Lãnh đạo một hiệp hội ngành hàng xuất khẩu thừa nhận chuyện lừa đảo trong thương mại quốc tế cũng không phải hiếm với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhưng điểm đặc biệt trong trường hợp các DN ngành điều lần này là lại xảy ra ở châu Âu, số lượng hàng và giá trị khá lớn, với nhiều doanh nghiệp bị lừa cùng lúc. Vị này nhận xét: Lượng hàng lớn như vậy rõ ràng là những doanh nghiệp có tiềm lực và kinh nghiệm nhưng với những thông tin công khai đến thời điểm này thì cho thấy họ bị lừa khá dễ dàng. Đây là điều khiến nhiều người khó hiểu nhất. Một doanh nghiệp xuất khẩu dù lớn dù nhỏ cũng cần phải nắm những quy tắc cơ bản trong giao dịch quốc tế, trong khi ở đây họ có vẻ khá chủ quan dù biết rất ít thông tin về đối tác. “Tôi nghĩ bài học lớn nhất trong vụ này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung là không được chủ quan, phải thực hiện theo thông lệ quốc tế”, vị này nói.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, phân tích: Trong giao dịch quốc tế thường thì bên mua bên bán phải biết rõ về nhau và có lòng tin vững chắc về nhau mới giao dịch qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P). D/P là hình thức nhờ thu, bên mua họ nhận chứng từ và nhận hàng rồi đến ngân hàng thanh toán tiền cho bên bán. Trong trường hợp ngành điều lại là khách hàng mới, chưa có thông tin mà giao dịch qua hình thức D/P này là rất rủi ro. “Có vẻ họ đã quá nóng vội trong việc xuất hàng hoặc thiếu thông tin, kiến thức trong giao dịch quốc tế. Thông thường trong trường hợp kiểu này người ta sẽ chọn hình thức thanh toán bằng thư tín dụng. Vì như vậy có sự tham gia của ngân hàng từ cả hai nước bên mua và bên bán. Trong thư tín dụng cam kết trả tiền rất mạnh. Nếu như một số trường hợp không đủ độ tin cậy người ta còn yêu cầu ngân hàng phía bên mua phải xác nhận thư tín dụng (L/C) là một hình thức bảo lãnh, DN không trả được thì ngân hàng sẽ trả”, ông Lực nhấn mạnh.

Chưa kết luận rằng bị lừa hay không nhưng luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết ông đã tiếp nhiều khách hàng là DN. Ban đầu họ đều kêu là bị lừa nhưng khi xem kỹ hợp đồng thì không hoàn toàn như vậy. “Nói thẳng thì lỗi ở đây là do DN không hiểu luật và quá ngây thơ trên thương trường quốc tế. Đây là bài học cho rất nhiều DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Am hiểu luật pháp, nhất là luật pháp quốc tế là khâu yếu nhất của DN Việt Nam”, LS Hậu nói thẳng. LS này nói thêm: “Ở các nước, trong DN họ có đội ngũ pháp chế bên cạnh đó còn có đội ngũ luật sư am hiểu luật pháp quốc tế luôn theo sát trong các giao dịch với nước ngoài. Khi xảy ra vấn đề về hợp đồng với đối tác họ sẽ đưa ra tòa trọng tài quốc tế. Trong khi phần lớn DN Việt Nam lại không có thói quen này, không sử dụng pháp lý và luật sư mà lại thích “kêu cứu” với chính quyền”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.