Chuyện dạy thêm - học thêm đang diễn ra ở các cấp học phổ thông từ nhiều năm qua là vấn đề cũ nhưng mỗi lần nhắc tới đều thấy lạ.
Lạ ở chỗ ngành chức năng đã có nhiều chỉ thị nghiêm cấm nhưng “chợ chữ” vẫn râm ran. Phụ huynh kêu ca, phàn nàn chuyện con em họ đi học thêm vừa tốn tiền vừa phờ phạc cả người. Nhưng trong cuộc họp phụ huynh với nhà trường, họ không bao giờ lên tiếng điều này. Vì theo họ, nếu nói ra, con em họ chẳng có “lợi lộc” gì mà ngược lại có thể gặp nhiều phiền toái.
Đã có lời ra tiếng vào về chuyện học sinh học khá các môn mà điểm cứ thiếu… lai rai vì không học thêm. Thầy cô ra đề kiểm tra dạng “đặc biệt”, những em khá giỏi mà không học thêm vẫn ngồi cắn bút, còn nhóm học sinh “luyện” ở nhà thầy cô, dù học dở vẫn làm khỏe re. Có vẻ như học thêm là một loại… bảo hiểm về điểm số.
Ở trường X., trong cuộc họp hội đồng giáo viên, thầy cô nào nêu ý kiến đề nghị ban giám hiệu siết chặt quản lý các lớp học thêm theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên như kiểm tra điều kiện bàn ghế, ánh sáng, nội dung chương trình, thời gian dạy… đều bị thầy cô dạy thêm cho là “trâu cột ghét trâu ăn”! Mặc dù chỉ là câu thành ngữ có sẵn, dẫn ra cho thuận miệng, nhưng người nghe không hề thuận tai bởi hình ảnh “con trâu” xuất hiện trong hoàn cảnh không phù hợp với không gian sư phạm, con người sư phạm. Nét đẹp người thầy trở nên nhạt nhòa nếu không muốn nói là tệ hại đến méo mó.
Có thầy giáo khi lên lớp hay chê văn ông này là văn “thông tấn”, chê thơ bà kia là thơ “con cóc”. Đến học thêm ở nhà thầy, học sinh được chép loại văn “tổng hợp”, thứ văn được “sáng tạo” từ công nghệ cắt dán. Thầy khá nghiêm cẩn, đạo mạo ở trường nhưng khi dạy thêm ở nhà thì rất… chân tình, bình dị. Thầy xưng tao gọi mày với học sinh: “Bữa nay đứa nào vắng? Tập trung chép bài đi, bài này “có ích” cho tụi bay đó!”. Chưa kể thầy mặc bộ đồ tuềnh toàng khi “lên lớp” ở nhà. Thầy nói ở nhà thì lễ giáo làm quái gì, không khí gia đình, mặc thế cho mát. Học trò học thêm nhà thầy khá đông vì chúng không bị gò bó, thoải mái cười đùa, tếu táo, tán gẫu. Không học sinh nào vất vả hoặc gặp rắc rối gì về điểm khi học môn của thầy trong chính khóa nên lớp học thêm bao giờ cũng đông.
Tuy nhiên , những học sinh đã “vượt thoát” khỏi tầm ảnh hưởng của thầy, những học sinh đang ngồi ghế giảng đường kể lại, khi thi tốt nghiệp hoặc thi tuyển vào đại học, chúng tìm chữ của thầy không ra. Nếu không tự trang bị cho mình kiến văn và kỹ năng xây dựng văn bản có lẽ chúng chỉ biết đứng trước cổng trường đại học mà ngậm ngùi, tiếc nuối.
Dạy thêm - học thêm, một kiểu “chợ chữ”, đang làm ảnh hưởng đến nét đẹp nhà giáo và nhà trường. Câu chuyện “chợ chữ” xem ra là câu chuyện vòng tròn, vì nó cứ loanh quanh, lòng vòng mãi mà không có đường ra.
Bình luận (0)