Luật Biểu tình ‘sao cứ lùi mãi’

18/02/2016 00:00 GMT+7

Ngày 17.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 45, cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và một số nội dung quan trọng.

Ngày 17.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 45, cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và một số nội dung quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVNChủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết luật Biểu tình đã được giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Cơ quan chủ trì đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát tại một số địa phương và lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Tại phiên họp tháng 1.2016 Chính phủ đã cho ý kiến về dự án luật này và quan điểm về một số nội dung lớn còn rất khác nhau, có nội dung ý kiến là 50/50. Trong đó, một số nội dung cần tiếp tục chỉnh lý để tạo sự đồng thuận cao hơn như thẩm quyền cho đăng ký biểu tình, có cho người nước ngoài tham gia biểu tình hay không, các biện pháp đảm bảo như thế nào…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ có nhiệm vụ quan trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung cho kỳ họp thứ 11, QH khóa 13 sẽ diễn ra vào tháng 3.2016. Đây là kỳ họp cuối cùng của QH khóa 13 với nhiều nội dung quan trọng, quyết định thành công của cả nhiệm kỳ.
QH xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 13 của QH, Ủy ban Thường vụ QH; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao...

Theo Bộ trưởng Tư pháp, để có thêm thời gian nghiên cứu theo đúng mục tiêu, đảm bảo tính khả thi, Chính phủ xin lùi thời gian trình dự án luật từ kỳ họp thứ 11 của QH khóa 13 (tháng 3.2016) đến kỳ họp thứ 2 của QH khóa 14 (cuối năm 2016).
“Lùi đi lùi lại là thiếu nghiêm túc”
Góp ý tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh dự án luật Biểu tình lẽ ra phải được trình QH từ kỳ họp thứ 9 “nhưng cứ xin lùi mãi”. Đây là dự án luật rất quan trọng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo để thực hiện chương trình của QH để đảm bảo tiến độ chung, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại sao phải lùi mãi dự án luật Biểu tình: “Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không chịu làm? Chương trình là QH quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi”. Chủ tịch nhấn mạnh: “Thường vụ không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra Ủy ban Thường vụ QH nên ủy ban chưa biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng đây là việc làm thiếu nghiêm túc”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Vẫn còn sự phân tán rất lớn trong thành viên Chính phủ về một số vấn đề lớn, một số vấn đề khác cũng chưa chín muồi để trình dự án luật. “Vì thế Thủ tướng kết luận xin lùi. Cá nhân tôi thì đề nghị cứ trình nhưng chỉ là ý kiến thiểu số”, ông Cường nói.
Phải trình vào tháng 3.2016
Cho rằng quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói việc “xin lùi” hoàn toàn không có lợi về mặt chính trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng đề cập luật Biểu tình là luật cuối cùng luật hóa quyền của công dân theo Hiến pháp. Bộ Công an phải khẩn cấp làm ngay luật này để đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường trật tự xã hội.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ trình dự án luật Biểu tình lên QH theo đúng chương trình đã được quyết định (tháng 3.2016).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.