‘Luật có rồi mà triển khai không tốt thì cũng bằng không’

Vũ Thơ
Vũ Thơ
02/03/2021 17:43 GMT+7

Tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam , các đại biểu kiến nghị cần nâng cao việc kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện Luật Thanh niên vì "Luật có rồi mà triển khai không tốt thì luật cũng bằng không".

Ngày 2.3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 32 với sự chủ trì của anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam; ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam.

Để luật đi vào cuộc sống

Tại hội nghị các đại biểu đã đóng góp ý kiến về việc triển khai luật Thanh niên trong năm 2021 trong đó nhiều ý kiến đề xuất cần phát huy vai trò của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) mong muốn thời gian tới sẽ kiện toàn lại Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam và có quy chế hoạt động để Ủy ban hoạt động tốt nhất.
“Luật Thanh niên đã được thông qua và Ủy ban đã được xác định trong luật. Thời gian tới, cần hoàn thiện hướng dẫn, triển khai thực hiện luật. Luật có rồi mà triển khai không tốt thì luật cũng bằng không. Do đó, cơ chế đặt ra rồi mà không vận hành, thực hiện, kiểm tra thì không mang lại kết quả”, ông Tuyết đánh giá.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Ảnh Ngọc Thắng

Theo ông Tuyết thì các bộ ngành, Bộ Nội vụ cần có các văn bản tham mưu, Chính phủ hướng dẫn kịp thời, cùng sự giám sát Quốc hội và sự kiểm tra Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam để đưa luật Thanh niên vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng trong năm 2021, Ủy ban cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết luật Thanh niên để luật đi vào cuộc sống. “Trong đó, cần nâng cao nhận thức cấp ủy chính quyền. Nếu cấp ủy chính quyền không quan tâm thì luật có hay, có sát đến mấy cũng rất nhiều nghị quyết khó đi vào cuộc sống. Đồng thời, phải tuyên truyền cho thanh niên hiểu, quan tâm”, ông Định nói.
Theo ông Định, ngoài việc kiện toàn ở T.Ư,  phải tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc tại địa phương, có sự quan tâm, phân công rõ ràng trách nhiệm cá nhân cụ thể. "Năm 2021 kết hợp triển khai luật, cần kiện toàn cơ quan quản lý Nhà nước về công tác thanh niên thì mới rút ra được văn bản chính sách, nghị quyết cho thanh niên, nếu không cuộc họp nào phát biểu cũng rất hay, nhưng khi vào văn bản lại không có gì; khi báo cáo lại rất chung chung", ông Định nói.

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên

Phát biểu kết luận hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn đồng tình với các ý kiến của các đại biểu và cho rằng cần xác lập lại rõ nhiệm vụ năm 2021. Thời gian tới, đầu tiên, cần tiếp tục thực hiện tuyên truyền phổ biến, tham mưu các văn bản thi hành luật Thanh niên.

Anh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Ảnh Ngọc Thắng

“Đặc biệt, ngoài 2 chính sách liên quan đến thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện đang trong quá trình xem xét phê duyệt, thì còn một số chính sách nữa tiếp tục được đề xuất nghiên cứu như: hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên tài năng, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài...”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, năm 2021 cần tiếp tục phối hợp kiểm tra giám sát thực hiện luật Thanh niên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. “Rà soát, đánh giá hiệu quả hiệu lực của các chính sách, từ đó có tham vấn những chính sách mới là rất quan trọng. Ít nhất cũng cung cấp cho Thủ tướng bức tranh toàn cảnh về hệ thống chính sách liên quan đến thanh niên, hiệu lực hiệu quả và khả năng phát huy của các chính sách, sự quan tâm mức độ quan tâm ở các địa phương…”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.