Luật Đất đai hiệu lực sớm: Đánh giá đầy đủ vướng mắc có thể phát sinh

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/06/2024 19:21 GMT+7

Bày tỏ đồng tình sửa đổi để hiệu lực các luật có hiệu lực sớm 5 tháng, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá các rủi ro, vướng mắc phát sinh.

Chiều 21.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường việc ban hành luật để sửa đổi hiệu lực các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Các tổ chức tín dụng, từ 1.8 thay vì 1.1.2025, sớm hơn 5 tháng.

Bày tỏ đồng tình sửa đổi để hiệu lực các luật nói trên có hiệu lực sớm 5 tháng, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các luật, nhất là các văn bản thuộc trách nhiệm của địa phương.

Luật Đất đai hiệu lực sớm: Đánh giá đầy đủ vướng mắc có thể phát sinh- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến thảo luận chiều 21.6

GIA HÂN

Cùng đó, đại biểu Hòa cũng đề nghị đánh giá rủi ro, vướng mắc có thể phát sinh, tránh tạo khoảng trống pháp lý, hoặc xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật nói trên.

Theo đại biểu, tờ trình Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn đúng tiến độ. Tuy nhiên, từ thời điểm Chính phủ trình dự án luật, đến nay hơn 1 tháng nhưng chưa có thêm văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. 

Việc ban hành đồng loạt các văn bản hướng dẫn theo quy trình rút gọn trong thời gian ngắn có thể dẫn đến quá tải, việc thẩm định có thể bị sơ sót, thực hiện khó khăn, có thể dẫn đến phải sửa đổi bổ sung nhiều lần. Các địa phương cũng gặp khó khăn trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền khi phải chờ các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành.

Từ đó, ông Hòa đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền của mình đảm bảo chất lượng, tiến độ, không để xảy ra bất cập do thiếu văn bản cụ thể hóa, tránh việc pháp luật bị chênh, bất cập, gây khó khăn cho người dân.

"Cái gì đã nói được thì cần phải làm được"

Phó chủ tịch thường trực UBND Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nói nếu chỉ đọc những nội dung được Chính phủ trình, nhất là phụ lục thống kê những điểm có lợi cho người dân và doanh nghiệp thì không có lý do gì để Quốc hội không ủng hộ việc các luật có hiệu lực sớm.

Luật Đất đai hiệu lực sớm: Đánh giá đầy đủ vướng mắc có thể phát sinh- Ảnh 2.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu chiều 21.6

GIA HÂN

Từ thực tiễn điều hành địa phương, ông Đồng cho biết, lại càng mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống khi các luật hiện nay có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập khiến nhiều cán bộ vướng vòng lao lý hoặc né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Dù vậy, đại biểu đoàn Quảng Trị cho rằng, cần phải nhận diện, đánh giá đầy đủ ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phản ứng, tâm lý của xã hội.

Về điều kiện đảm bảo để luật Đất đai và 3 luật có hiệu lực sớm 5 tháng, ông Đồng nhìn nhận, khẳng định của Chính phủ là điểm tựa để các đại biểu bấm nút thông qua việc có hiệu lực sớm. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ ngành.

Ông Đồng dẫn chứng, việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất khác, cũng được Bộ TN-MT khẳng định "có lợi cho nước, cho dân", và từ tháng 2 đã khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ với phương án tốt nhất là trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực thi hành cùng với luật Đất đai. Thế nhưng, đến giờ này đề án cũng chưa được trình Quốc hội.

"Nêu ví dụ này, tôi muốn nói rằng, dù là Quốc hội, Chính phủ hay các bộ ngành, cái gì đã nói được thì cần phải làm được", ông Đồng nói.

"Tôi đề nghị trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết. Có như thế khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, đại biểu cũng có cơ sở chắc chắn để trả lời cử tri", ông Đồng nói.

Luật Đất đai hiệu lực sớm: Đánh giá đầy đủ vướng mắc có thể phát sinh- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân

GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cũng cho rằng, hiện chỉ có một nội dung được quy định chi tiết, còn tới 28 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của 3 luật chưa được ban hành. Nhiều nội dung giao chính quyền địa phương quy định chi tiết trong khi văn bản của T.Ư chưa ban hành.

Cạnh đó, theo bà Xuân, tờ trình của Chính phủ chưa đánh giá tác động lợi ích, hiệu quả, rủi ro, khó khăn, vướng mắc và các phương án giải quyết để giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi luật có hiệu lực sớm để đại biểu nghiên cứu và quyết định.

Bà Xuân đề nghị cần đánh giá tác động lợi ích, rủi ro, phương án giải quyết rủi ro khi luật có hiệu lực sớm, báo cáo Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 phương án lấy ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thông qua; đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền để đánh giá toàn diện vấn đề này. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.