Vụ này khiến tối nhớ tới một chuyện ở CIS (Canadian International School in Viet Nam). Hồi mới thành lập trường, đối tác đầu tiên ở Canada lúc đó là Sở Giáo dục vùng Niagara (District School Board of Niagara) cử ra một giám đốc dự án để lo việc tuyển dụng giáo viên và chuẩn bị triển khai mọi hoạt động cho trường theo thoả thuận trong hợp đồng hợp tác đã ký. Gần tới ngày khai giảng năm học đầu tiên, cô giám đốc dự án bày tỏ sự lo lắng khi vẫn chưa tuyển đủ một vài vị trí giáo viên. Nhớ lại trước đây cô từng khoe rằng có một cậu con trai vừa tốt nghiệp Thạc sĩ Giáo dục ở một trường ĐH tại Ontario, tôi hỏi cô sao không tuyển dụng cậu ấy ngay cho CIS, cô lắc đầu bảo vì cô đang là người đi tuyển dụng và lại phụ trách dự án này nên không được phép tuyển dụng con trai vào làm việc ở đây.
Sang năm thứ 2, đối tác thay đổi quy trình tuyển dụng. Tất cả việc phỏng vấn và quyết định tuyển giáo viên Canada cho CIS ở VN sẽ được giao cho bộ phận phát triển nhân lực của sở đảm trách. Nhưng khi gặp lại cô giám đốc dự án, hỏi thăm về cậu con trai thì cô cho biết cậu ấy vẫn đang phải đi tìm việc bên Canada và không hy vọng được tuyển sang dạy ở CIS bởi cô vẫn đang là Giám đốc dự án.
Chỉ đến cuối năm thứ 2, khi cô này thôi giữ vị trí giám đốc dự án tại Việt Nam và nhận nhiệm vụ mới ở Hàn Quốc thì cậu con trai mới chính thức được nộp đơn xin vào dạy tại CIS.
Đó chỉ là một việc nhỏ, ở một sở giáo dục nhỏ của một vùng tại đất nước họ. Ý thức về việc phòng tránh "mâu thuẫn lợi ích" trong bổ nhiệm và tuyển dụng ở các cơ quan dân cử cũng như ở bộ máy công quyền tại các quốc gia tiến bộ như thế dường như đã trở thành một thói quen văn hoá rất bình thường, để mọi công dân cùng tự giác thực hiện như một quy ước của xã hội.
Thực ra, từ thời xưa, ông cha ta cũng đã văn minh và tiến bộ không thua kém gì các nước phương Tây. Thời vua Lê Thánh Tôn đã có Luật Hồi tỵ, được ban hành về việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến thời đó.
Trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) cũng có quy định: "Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc".
Đến thời Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới. Hãy xem thử một số điều quy định cụ thể dưới đây đối với bộ máy quan lại nhà Nguyễn :
- Quan lại ở các bộ, trong Kinh và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác. Đối với Viện Thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối thì không phải áp dụng Luật Hồi tỵ.
- Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy.
- Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc.
- Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.
- Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.
- Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế.
- Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nếu có thì phải tâu trình thay người khác.
- Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản của mình.
Nhà nước ta bây giờ cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định các nguyên tắc về việc bổ nhiệm, phân công, bố trí cán bộ... nhưng hình như không có mấy ai nhớ và nếu không thực hiện thì cũng chẳng sao! Nên chưa biết đời nào tiến bộ hơn. Ông cha ta nói ít mà làm nhiều và làm rất nghiêm túc.
Thiết nghĩ, nay chả cần phải đao to búa lớn gì, chỉ cần đem cái Luật Hồi tỵ của ông cha ra mà áp dụng được nghiêm như các cụ ngày xưa thì đã là phúc đức cho dân lắm rồi, nhỉ?
Bình luận (0)