Luật pháp chỉ có đúng hoặc sai

18/03/2021 04:33 GMT+7

Luật pháp thì chỉ có sai hoặc đúng, không được phép ỡm ờ, nếu chúng ta cho phép quá nhiều tiền lệ sẽ khiến luật pháp bị méo mó.

Sau rất nhiều lùm xùm về việc 200 căn biệt thự, liền kề được “xây dựng chui” trong một dự án hơn 51.000 m2 ở vị trí ngay sát vách Hà Nội, cuối cùng Sở KH-ĐT tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng “hỏi” về thủ tục, mở đường để hợp thức hóa sai phạm của chủ đầu tư (Công ty Đại Hưng) tại dự án Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden.
Điều này hoàn toàn không nằm ngoài dự đoán của dư luận, cũng như có vẻ nó nằm trong một kịch bản được sắp sẵn, một công thức được áp dụng khá thành công với không ít dự án bất động sản: chủ đầu tư đẩy dự án vào thế “sự đã rồi”, chính quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra chỉ ra sai phạm, kiến nghị xử lý cán bộ (thường là rất qua loa), rồi cuối cùng là đề xuất hoàn thiện thủ tục hợp thức hóa.
Tại sao nói một công thức “hợp thức hóa” có sẵn là bởi vì, ngay từ vòng đầu tiên của chuỗi các sai phạm ở một dự án đã thấy rõ bóng dáng của cơ quan chính quyền, hay nói đúng hơn là sự “lơ là” có chủ ý. Một người dân bình thường đổ một xẻng cát sai phép, lập tức có lực lượng trật tự đến tuýt còi, xử phạt, huống hồ xây dựng hàng trăm căn biệt thự, rao bán rầm rộ, trong một dự án quy mô hàng chục nghìn mét vuông mà chưa có chủ trương đầu tư (chứ đừng nói đến quyết định giao đất hay phê duyệt dự án) thế mà phải rất lâu, rất lâu sau chính quyền (H.Văn Giang, Hưng Yên) mới phát hiện ra, thanh tra vào cuộc.
Trong kết luận thanh tra rất “đanh thép” chỉ ra những sai phạm của dự án, cũng “đanh thép” kết luận: ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư thì các sở KH-ĐT, Xây dựng, TN-MT, UBND huyện, UBND xã đều phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm. Nhưng tuyệt nhiên không nói ai, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm thế nào?
Và kể từ tháng 7 năm ngoái tới nay, sau kết luận thanh tra “đanh thép” ấy, chưa thấy cán bộ nào của các sở ngành, huyện xã của tỉnh Hưng Yên liên quan đến sai phạm được công khai xử lý trách nhiệm, chỉ thấy văn bản xin hợp thức hóa cho dự án là hiển hiện.
Đọc văn bản trả lời của Bộ Xây dựng cũng bối rối không kém đọc kết luận thanh tra. Văn bản dẫn luật Nhà ở, luật Đầu tư để “đề nghị Sở KH-ĐT tỉnh Hưng Yên đối chiếu quy định của pháp luật” về nhà ở, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan “để hướng dẫn” Công ty Đại Hưng thực hiện điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án này theo “đúng quy định pháp luật”.
Chỉ đạo “làm đúng quy định pháp luật” là một loại thần chú “vô thưởng vô phạt” nhưng lại rất hiệu nghiệm trong nhiều vụ việc. Nó như một loại ám hiệu cho cấp dưới “cứ thế mà làm”, nhưng nó lại là luận cứ để miễn trách nhiệm trong trường hợp chẳng may bị phát hiện (sai phạm).
Trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước là bảo đảm pháp luật được thực thi. Và luật pháp thì chỉ có sai hoặc đúng, không được phép ỡm ờ, nếu chúng ta cho phép quá nhiều tiền lệ sẽ khiến luật pháp bị méo mó. Đừng để những kịch bản hợp pháp hóa các sai phạm tiếp tục có cơ hội tạo ra những kẽ hở tiêu cực khủng khiếp mà di hại cho xã hội là rất dài lâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.