Luật sư có được kháng cáo thay cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn?

01/02/2023 15:22 GMT+7

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc luật sư kháng cáo thay cho cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn, trong khi bị cáo này đang bỏ trốn và bị truy nã.

Như Thanh Niên đưa tin, liên quan đến "đại án" AIC, nhiều bị cáo đã có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội.

Đáng chú ý, luật sư chỉ định của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã nộp đơn kháng cáo thay cho thân chủ. Luật sư đề nghị xem xét lại cáo buộc chủ mưu, cầm đầu đối với nữ cựu Chủ tịch Công ty AIC.

Ngoài bà Nhàn, nhiều bị cáo thuộc diện bị truy nã và xét xử vắng mặt cũng được luật sư bào chữa kháng cáo thay.

Luật sư có được kháng cáo thay cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC

BỘ CÔNG AN

Trước tình huống pháp lý trên, nhiều ý kiến bạn đọc cũng như chuyên gia bày tỏ băn khoăn về việc luật sư có được quyền kháng cáo thay cho thân chủ?

Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), điều 331 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, những chủ thể có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm, gồm: bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại; người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

Điều 73 bộ luật này cũng quy định, người bào chữa có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Xem nhanh 20h ngày 31.1: Máy bay Su-22 rơi ở Yên Bái | Luật sư nộp đơn kháng cáo cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Như vậy, luật sư với vai trò là người bào chữa chỉ có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

Đối chiếu vụ "đại án" AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng một số bị cáo được luật sư kháng cáo thay không thuộc các trường hợp nêu trên. Cho nên, việc kháng cáo thay là không phù hợp theo quy định pháp luật.

Dù vậy, việc chấp nhận hay bác đơn kháng cáo sẽ do HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định, khi mở phiên tòa phúc thẩm tới đây.

Luật sư có được kháng cáo thay cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn? - Ảnh 2.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử "đại án" AIC hồi tháng 1.2023

CTV

Kháng cáo theo bản án của tòa

Để làm rõ vấn đề, Thanh Niên liên hệ với một số luật sư của các bị cáo được kháng cáo thay trong vụ án. Trong số này, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ chối trả lời qua điện thoại.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) là người kháng cáo thay cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội, một trong 8 bị cáo đang bị truy nã, với nội dung xin giảm nhẹ mức án.

Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư cho biết, ông Thuyết có đơn gửi từ Mỹ về Việt Nam, trình bày việc không thể hầu tòa là do lý do khách quan chứ không phải bỏ trốn. Ông Thuyết bị tuyên 30 tháng tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Giải thích về việc kháng cáo thay cho thân chủ, luật sư Hải cho hay, quyết định này dựa trên bản án mà HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên. Trong bản án, HĐXX dành quyền kháng cáo cho nhiều người liên quan, bao gồm luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt tại phiên tòa.

"Căn cứ vào bản án đã tuyên, chúng tôi với tư cách luật sư bào chữa đã thực hiện quyền mà HĐXX ghi nhận. Việc này nhằm bảo đảm quyền lợi cho các bị cáo", luật sư Hải cho hay.

Luật sư có được kháng cáo thay cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn? - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo bị phát lệnh truy nã trong vụ "đại án" AIC

BỘ CÔNG AN

Bản án có hợp lý?

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội, ngoài việc tuyên án đối với 36 bị cáo trong "đại án" AIC, HĐXX nêu rõ: các bị cáo có mặt tại phiên tòa, nguyên đơn dân sự, các luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Ngoài ra, các bị cáo vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu với quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như đã đề cập, liệu nội dung trên của bản án có bị "vênh"?

Luật sư Quách Thành Lực nói "rất bất ngờ", khi bản án sơ thẩm dành quyền kháng cáo cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt.

Luật sư Lực viện dẫn điều 17 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải "nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình".

Như đã đề cập, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số bị cáo bị truy nã không phải đối tượng mà luật sư bào chữa được quyền kháng cáo thay. Vì thế, quyết định của tòa sơ thẩm là không phù hợp.

"Trường hợp này, Viện KSND TP.Hà Nội với vai trò kiểm sát của mình có thể thực hiện kháng nghị đối với phần quyết định chưa phù hợp của tòa", luật sư Lực nêu quan điểm.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), cho rằng bản án mà TAND TP.Hà Nội đã tuyên là có căn cứ.

Lý do, phiên tòa được mở trong bối cảnh nhiều bị cáo vắng mặt và cũng chưa có quy định rõ về quyền kháng cáo của luật sư bào chữa đối với bị cáo vắng mặt.

Vì vậy, HĐXX đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, bằng việc dành quyền kháng cáo cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt.

"Do bản án chưa có hiệu lực pháp luật, các luật sư có thể kháng cáo nếu thấy bản án không đảm bảo khách quan hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, để cấp phúc thẩm xem xét", luật sư Quynh nói.

Để có thêm câu trả lời, Thanh Niên nhiều lần liên lạc qua điện thoại với thẩm phán - chủ tọa phiên tòa sơ thẩm "đại án" AIC, nhưng hiện chưa có kết quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.