Theo đó, các luật sư đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với ông Đinh La Thăng, trong vụ án về sai phạm trong mua bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, do không có chứng cứ phù hợp.
Luật sư của ông Thăng nêu những gì?
Theo đó, các luật sư đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với ông Đinh La Thăng, trong vụ án về sai phạm trong mua bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, do không có chứng cứ phù hợp.
Trước khi bào chữa cho thân chủ, luật sư Trương Trọng Nghĩa nhắc lại các hành vi theo cáo trạng đã quy kết cho ông Thăng, rằng “xuất phát từ động cơ cá nhân, ông Đinh La Thăng đã gọi điện cho Dương Tuấn Minh – Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long thuộc Bộ GTVT, giới thiệu để công ty của Đinh Ngọc Hệ là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính tham gia mua quyền thu phí; biết toàn bộ hoạt động triển khai xây dựng đề án, kết quả bán đấu giá không đúng quy định pháp luật thông qua tài liệu do nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường gửi để báo cáo; có vai trò quyết định trong việc bán quyền thu phí, tạo "tiền đề" để Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng nên phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ sai phạm của các cán bộ tại Bộ GTVT trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
|
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, qua nghiên cứu hồ sơ và kết quả thẩm vấn công khai tại tòa, thì các kết luận trên của VKS về hành vi phạm tội của ông Đinh La Thăng là không phù hợp với chứng cứ thu thập được, và không thỏa mãn với tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” mà VKS cáo buộc ông Thăng. Cụ thể, việc nói ông Thăng giới thiệu Đinh Ngọc Hệ là không có cơ sở, vì không có chứng cứ.
Các văn bản mà nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường gửi cho ông Thăng chỉ mang tính chất thông báo; không có chứng cứ chứng minh ông Thăng được báo cáo và biết việc bán đấu giá sai quy định.
Nhà nước không thất thoát hơn 725 tỉ đồng
Ngoài ra, theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, cáo trạng nêu ông Thăng có vai trò quyết định bán quyền thu phí, “nghe thì có lý vì ông Thăng là Bộ trưởng. Nhưng việc bán quyền thu phí là do 1 hội đồng tiến hành. Ông Thăng là bộ trưởng nhưng không thể quyết định bán cho ai, bán ra sao, như thế nào. Bộ trưởng chỉ quản lý chung. Không có chứng cứ thể hiện ông Thăng có vai trò quyết định với kết quả bán đấu giá”, luật sư Nghĩa nêu.
Đồng thời, các luật sư của ông Đinh La Thăng nêu, dấu hiệu cấu thành tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là phải gây thất thoát cho nhà nước. Nhưng trong vụ án này, hơn 725 tỉ đồng không thể coi là khoản tiền nhà nước bị thất thoát. Bởi, sau khi bán quyền thu phí, Bộ GTVT đã nhận đủ hơn 2.004 tỉ đồng. Vậy tiền thu phí là của doanh nghiệp trúng đấu giá, không phải của Bộ GTVT.
Không có việc thất thoát thì không thể buộc tội ông Thăng về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản…”.
Theo các luật sư, việc che giấu doanh thu thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương nếu có thì ở một hành vi khác nhưng không thể là chiếm đoạt.
Trong phần luận tội, VKS đề nghị mức án: ông Đinh La Thăng 10 – 11 năm tù, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường 6 – 7 năm tù; 5 bị cáo còn lại thuộc Bộ GTVT từ 3 – 6 năm tù.
VKS đề nghị Đinh Ngọc Hệ mức án tù chung thân về 2 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng tiền thu phí, và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” hơn 3,4 tỉ đồng. Đề nghị buộc Đinh Ngọc Hệ phải bồi thường toàn bộ số tiền liên quan.
12 đồng phạm của Đinh Ngọc Hệ bị VKS đề nghị mức án từ 2 – 12 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng đang tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư đối với bị cáo.
|
Bình luận (0)