Sau 4 ngày làm việc liên tục, hôm nay 25.12, phiên “đại án” AIC xảy ra tại Đồng Nai tạm nghỉ. Ngày mai, 26.12 tòa tiếp tục làm việc với phần các luật sư tranh luận, nêu những quan điểm gỡ tội cho thân chủ mình.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 đồng phạm đang bỏ trốn |
bộ công an |
Trong phiên làm việc chiều 24.12, Viện KSND TP.Hà Nội đã công bố luận tội, đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC), từ 16 - 17 năm tù về tội “đưa hối lộ” và từ 14 - 15 năm tù về “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hình phạt là 30 năm tù, dù bà này đang trốn truy nã.
Luật sư không có chứng cứ chứng minh bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vô tội |
Không thể lấy lời khai, mất quyền lợi tại tòa
Theo luận tội, dù biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực nhưng để trúng thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo địa phương và dùng nhiều thủ đoạn gian lận để tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu tại dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỉ đồng.
Sau đó, bà Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa tổng cộng 43,8 tỉ đồng cho nhóm bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Toàn cảnh phiên tòa |
trung kiên |
Trong phần tranh luận, luật sư Dương Văn Nghị, người được chỉ định bào chữa cho bị cáo Nhàn, cho biết thân chủ của mình đã xuất cảnh từ giữa năm 2021, trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án.
Sau đó, bà Nhàn bị truy nã toàn quốc và quốc tế. Các cơ quan tố tụng cũng yêu cầu bà Nhàn ra trình diện để được hưởng khoan hồng nhưng đến nay gia đình, chính quyền địa phương cũng như công an không biết bà Nhàn đang ở đâu. Do vậy không thể lấy lời khai và bà Nhàn cũng không thể trình bày tại tòa để bào chữa cho mình, đồng nghĩa với việc mất đi quyền lợi.
“Chúng tôi cũng không thể tiếp xúc với bà Nhàn để thu thập chứng cứ, tài liệu để bào chữa, không biết bà Nhàn có nhận tội hay không. Ngoài bà Nhàn, một số bị cáo có vai trò quan trọng trong vụ án cũng bỏ trốn không có lời khai, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Việc bào chữa chỉ có thể căn cứ hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi tại tòa”, luật sư Nghị nói và cho biết ông và các luật sư không thể có chứng cứ nào chứng minh bà Nhàn vô tội.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn |
bộ công an |
Về hành vi của bà Nhàn, luật sư Nghị không có ý kiến tranh luận, bởi Viện KSND TP.Hà Nội đã xác định rõ.
Thứ nhất, bà Nhàn đã thiết lập quan hệ với những người có chức vụ như ông Thành, ông Thái, ông Vũ,… Thứ hai, bà Nhàn đã yêu cầu lãnh đạo, nhân viên AIC thực hiện quy trình 70 bước để thực hiện dự án, trong đó có nội dung thông thầu và gian lận trong đấu thầu.
Thứ ba, bà Nhàn đã cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị thẩm định giá, các công ty “quân xanh, quân đỏ” để tạo điều kiện cho AIC trúng thầu và nhiều hành vi gian lận khác dẫn đến thiệt hại hơn 152 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo còn chi ngoài sổ sách, đưa hối lộ cho các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.
Đại án AIC: Đề nghị cho bà Bồ Ngọc Thu hưởng 9 tình tiết giảm nhẹ |
Vai trò cựu Chủ tịch AIC trong sai phạm về đấu thầu chưa rõ
Theo luật sư Nghị, thực tế trong AIC có quy trình 70 bước và quy trình này được các nhân viên tiếp nhận, thực hiện. Mặc dù vai trò chỉ đạo của bà Nhàn trong vấn đề này chưa rõ nhưng luật sư không có ý kiến tranh luận.
Ngoài ra, về việc quan hệ với ông Thành, ông Thái, ông Vũ,… nếu quan hệ thông thường thì pháp luật không cấm, nhưng phải đúng quy định và không nhằm mục đích vụ lợi. Tuy nhiên, qua cáo trạng và luận tội của đại diện viện kiểm sát lại thấy mối quan hệ này không trong sáng nên luật sư cũng không tranh luận về nội dung này.
Bị cáo Trần Đình Thành (trái) và Đinh Quốc Thái |
trần tâm |
Tuy nhiên, liên quan đến quá trình thực hiện, tổ chức đấu thầu và thực hiện kết quả đấu thầu, luật sư Nghị cho rằng hành vi, vai trò của bà Nhàn chưa thể hiện rõ.
Theo luật sư, với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC, bà Nhàn có rất nhiều việc phải làm vì công ty kinh doanh hơn 100 ngành nghề chứ không riêng thiết bị y tế. Do vậy, bà Nhàn đã ký ủy quyền cho bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc AIC, để Nga quan hệ và thực hiện các gói thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
“Đã ủy quyền, giấy ghi rõ là Nga ký đơn dự thầu; ký các văn bản, tài liệu để giao dịch với bên mời thầu; tham gia thương thảo hoàn thiện hợp đồng; ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng; biên bản nghiệm thu, bàn giao, thanh lý với chủ đầu tư và các văn bản có liên quan đến quá trình tham gia, thực hiện và hoàn thiện hợp đồng nếu trúng thầu,… Văn bản ủy quyền đã làm rồi, ai làm trái thì phải chịu trách nhiệm”, luật sư Nghị nhận định và nói tất cả bị cáo là cựu nhân viên AIC khai tại tòa đều khẳng định chịu sự chỉ đạo trực tiếp của bà Nga.
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga tại phiên tòa |
trung kiên |
Luật sư Nghị sau đó trích dẫn 4 bút lục và lời khai của các cựu nhân viên AIC, thể hiện người chỉ đạo họ cao nhất trong dự án này là bà Nga, chứ không phải bà Nhàn.
Luật sư cũng dẫn lại lời khai của bị cáo Nga, khai về việc ủy quyền: “Với các chức vụ được bổ nhiệm tại AIC, tôi có quyền hạn phân công nhiệm vụ cho nhân viên các đơn vị mình phụ trách; trực tiếp tuyển dụng nhân viên quản lý điều hành các nhóm”. Theo luật sư, điều này thể hiện vai trò lớn của bị cáo Nga trong vụ án.
Ngoài ra, luật sư Nghị cho rằng bà Nhàn có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội. Bên cạnh đó, trước khi phạm tội bà Nhàn còn có nhiều đóng góp cho xã hội và thành tích được trao tặng nhiều bằng khen. Vì vậy, luật sư mong HĐXX xem xét là yếu tố giảm nhẹ cho bà Nhàn.
Bình luận (0)