|
Giới luật sư than rằng Nghị định ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam số 89/1998/NĐ-CP ngày 7.11.1998 đang làm khó họ. Cụ thể, khoản 2 điều 22 nghị định này quy định: “Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp”.
|
Đi cả ngàn cây số chỉ làm việc 1 giờ
Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bến Tre) kể mới đây ông đến trại tạm giam làm việc với Đ.Đ.Đ (bị cáo trong một vụ án hình sự đang bị tạm giam ở Đắk Nông), hai bên đang trao đổi với nhau thì cán bộ quản giáo đến thông báo “hết giờ”. Do vụ án này Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đang thụ lý, nên để gặp được bị cáo Đ., luật sư Lương phải đi từ Bến Tre ra Đà Nẵng xin giấy chứng nhận bào chữa rồi quay vào Đắk Nông. “Hành trình đi 1.628 km như thế nhưng chỉ được gặp thân chủ làm việc có 1 giờ. Nếu muốn làm việc tiếp thì phải bắt đầu lại hành trình ra Đà Nẵng xin thủ tục rồi lộn ngược vào chứ không thể gặp được ngay, vì giấy chứng nhận bào chữa bản chính đã bị thu ngay lần gặp đầu tiên”, luật sư Lương bức xúc. Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) nói ông cũng lâm vào tình cảnh tương tự tại Đắk Lắk.
Luật sư Trần Đình Triển còn khổ hơn khi đầu năm 2013 ông đến Trại tạm giam của Công an tỉnh Vĩnh Phúc để gặp bị cáo Hà Tuấn Ngọc (trước khi bị bắt là luật sư, phóng viên Đài phát thanh và truyền hình của một tỉnh, bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”). “Đến trại tạm giam, tôi bỏ tất cả đồ đạc bên ngoài chỉ cầm hồ sơ và bút vào. Vào phòng xét hỏi, một thượng úy ngồi bên cạnh tôi, một thượng úy ngồi cạnh bị cáo Ngọc. Vừa hỏi vừa ghi lời khai khoảng 10 phút, cộng với thời gian không nhất trí việc cử 2 cán bộ công an ngồi bên cạnh giám sát, tổng cuộc gặp được 20 phút thì bất chợt một thượng úy có điện thoại. Ngay sau đó, 2 thượng úy đều đồng thanh tuyên bố kết thúc cuộc gặp của luật sư với bị cáo”, luật sư Triển kể.
Quy định lỗi thời
Trên thực tế, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 98/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89, nhưng riêng quy định về thời gian luật sư tiếp xúc với người tạm giam, tạm giữ vẫn được giữ nguyên. Luật sư Trần Công Ly Tao cho rằng: “Từ năm 1998 đến nay chính sách của nhà nước ta có rất nhiều thay đổi. Không biết bao nhiêu luật đã ban hành. Đặc biệt, cải cách lĩnh vực tư pháp nhằm hướng tới nhà nước pháp quyền nhưng thực tế luật sư vẫn còn cảm thấy khó khăn việc hành nghề trước những quy định riêng hạn chế quyền của luật sư”.
Luật sư Lương phân tích, thời gian làm việc, tiếp xúc của luật sư với bị can, bị cáo đang bị tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đều bị khống chế không quá một giờ mỗi lần gặp và tương đương với thời gian thăm nuôi, gặp mặt của thân nhân người bị tạm giữ, tạm giam. Trong khi đó, Nghị định 89 và 98 không giới hạn thời gian làm việc của điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ tòa án. Thực tế, quy định “gặp 1 giờ” đã không đáp ứng nhu cầu cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp, công việc bào chữa của luật sư.
Có lẽ, đã đến lúc quy định này cần được xem xét điều chỉnh phù hợp.
Luật sư Trần Công Ly Tao cho rằng mặc dù được tòa án cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng khi đến trại tạm giam thì luật sư còn bị yêu cầu phải có lệnh trích xuất, tiếp xúc can phạm do tòa án cấp mới được phép vào làm việc với bị can. Nhiều luật sư cũng than, cán bộ trại tạm giam đòi phải có lệnh trích xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền mới đưa người tạm giữ, tạm giam khỏi nơi giam giữ. Nhưng tòa án lại cho rằng họ không có chức năng cấp loại giấy đó. Chính việc đẩy qua, đá lại này làm mất rất nhiều thời gian và công sức của luật sư mà có khi khó tiếp xúc được với thân chủ. |
Lê Nga
>> Cần thêm Tổ chức luật sư vào Hiến pháp
>> Luật sư và tiền tạm giữ
>> Luật sư bị làm khó
Bình luận (0)