Thay mặt Liên đoàn Luật sư Việt Nam, luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư, đã tổng hợp ý kiến đóng góp của 42 đoàn luật sư các tỉnh, TP về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đáng chú ý, nhiều đoàn luật sư kiến nghị thêm Tổ chức luật sư vào chương VIII cùng với Tòa án và Viện Kiểm sát.
Theo luật sư Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, trong tố tụng hình sự luôn tồn tại 3 chức năng cơ bản: buộc tội, bào chữa và xét xử. Hiện nay cải cách tư pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng của cải cách tư pháp nhằm mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền. Vì vậy, luật sư Hoài cho rằng chế định luật sư, cũng như các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự liên quan đến vị trí, vai trò của luật sư cần được đánh giá, ghi nhận trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. “Cần bổ sung tên gọi của chương VIII là Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tổ chức luật sư. Thêm điều luật mới ngay sau điều 114 về Viện KSND với nội dung: “Tổ chức luật sư được thành lập nhằm thực hiện chức năng bào chữa trong tố tụng hình sự, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hoạt động nghề nghiệp luật sư thực hiện theo quy định của pháp luật”. Việc quy định một điều luật riêng về chế định luật sư thể hiện quan điểm coi nghề luật sư có vị thế độc lập. Đảm bảo cho mọi người có thể tiếp cận bình đẳng các dịch vụ pháp lý mà luật sư có thể bảo vệ, hỗ trợ khách hàng theo quy định của pháp luật”, luật sư Hoài nêu ý kiến.
Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng kiến nghị khoản 7, điều 108 dự thảo Hiến pháp quy định về quyền bào chữa của bị can, bị cáo chung với việc xét xử thì nên tách ra thành quy định riêng như điều 132 trước đây. Vì quyền được bào chữa hay quyền được bảo vệ là vấn đề nhân quyền và dân quyền chứ không thể ghép thành một khoản trong nguyên tắc tố tụng của tòa án.
Đối với khoản 3, điều 32 dự thảo Hiến pháp quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”. Theo luật sư Hoài, đây là quy định mới mang tính tiến bộ nhưng cần mở rộng hơn đối với cả những người bị tình nghi phạm tội bị triệu tập lên cơ quan công an do có đơn tố cáo hoặc có thông tin tố giác tội phạm họ được quyền mời luật sư trợ giúp pháp lý ngay từ đầu...
Lê Nga
>> Thanh Hóa lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Hải Phòng góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Đoàn viên thanh niên góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Quyền công dân, vai trò của người trẻ
>> Liên hiệp Phụ nữ thảo luận dự thảo sửa đổi hiến pháp
>> Góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Hội đồng Dân tộc góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Lạng Sơn góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Phú Thọ góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Bình luận (0)