Hải Phòng góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

28/02/2013 18:13 GMT+7

Ngày 27/2, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ngày 27/2, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ngoài tham gia ý kiến về toàn bộ nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu tiến hành thảo luận 11 vấn đề trọng tâm theo các nội dung do Ủy ban sửa đổi hiến pháp yêu cầu.

Tất cả đều thể hiện sự đồng tình cao với kết cấu của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các chương, điều mà Ban soạn thảo đưa ra. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về một số vấn đề cụ thể trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này.

Hải Phòng góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Ảnh minh họa

Theo ý kiến đóng góp của đại diện Sở Nội vụ vào chương II “về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”; chương IX “Chính quyền địa phương”, cần sửa đổi 7 điều trong chương II, 2 nội dung trong chương IX.

Tại điều 17 của dự thảo, đại biểu đề nghị bỏ khoản 2 vì quy định tại khoản 1: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật đã bao hàm nội dung ở khoản 2. Nội dung khoản 2 dự thảo quy định: Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, có tính chất giải thích làm rõ quy định ở khoản 1. Hiến pháp là bộ luật gốc, việc quy định chi tiết, cụ thể nên do luật quy định.

Về chương IX “Chính quyền địa phương”, đại biểu Sở Nội vụ đề nghị sửa tiêu đề chương IX của Hiến pháp năm 1992 “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân" được đổi thành “Chính quyền địa phương” là phù hợp giữa tiêu đề của chương với các điều khoản quy định tại chương này.

Đa số đại biểu cho rằng, cần chỉnh sửa, bổ sung để lời nói đầu ngắn gọn hơn nữa, lời văn trong sáng, mạch lạc hơn, tránh những câu từ đa nghĩa. Nên bổ sung quy định về quốc hiệu, gộp các điều quy định quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, thủ đô… trong một điều.

Điều 10 nên bỏ quy định về tổ chức công đoàn. Điều 35 quy định về an sinh xã hội nên giữ nguyên như Hiến pháp năm 1992. Nên bỏ điều 46, đưa vào Điều 21, cụ thể “mọi người có quyền được sống và sống trong môi trường trong lành”.

Điều 54, đề nghị bổ sung quy định, khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là công cụ điều tiết kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Đánh giá về buổi góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã tóm lại những vấn đề các đại biểu nhất quán thảo luận trong ngày để góp phần xây dựng bản Hiến pháp ổn định trong thời gian dài.

Các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và trí tuệ tham gia ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với tinh thần tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản về bản chất chế độ, về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Theo TTXVN

>> Đoàn viên thanh niên góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Quyền công dân, vai trò của người trẻ
>> Kiến nghị nghiên cứu Tòa án Hiến pháp
>> Góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Cần hiến định quyền biểu quyết của dân về Hiến pháp
>> Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết góp ý Điều 4 Hiến pháp sửa đổi
>> Toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.