|
Tại Tây Ninh, trục GTVT đường thủy chủ yếu là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Trong đó, sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ Campuchia chảy qua địa phận tỉnh Tây Ninh dài 105km, đến Long An rồi hợp với sông Vàm Cỏ Tây, trước khi đổ ra biển.
|
Tàu ghe “mắc cạn”
Ông Nguyễn Văn Lềnh, một hộ dân nuôi cá trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua khu vực cầu Bến Sỏi (xã Thành Long, H.Châu Thành) cho biết: “Cứ đến mùa khô là lục bình tràn về đặc nghẹt khiến người dân lo méo mặt. Trước đây thấy có người trục vớt nên sông có thoáng hơn nhưng bây giờ thì không còn thấy ai làm nữa khiến lục bình xuất hiện dày đặc, người dân lưu thông qua lại sông vô cùng khó khăn.”.
Tại nhiều đoạn sông qua khu vực cầu Bến Sỏi, Xóm Ruộng (thuộc H.Châu Thành), Cẩm Giang ( H.Gò Dầu)…tình trạng lục bình “chiếm lĩnh” dòng sông làm tàu ghe “mắc cạn” trên sông. Tấp đậu ghe vội vào đoạn sông thuộc khu vực xã Cẩm Giang, anh Nguyễn Thanh Hoàng (ngụ H.Đức Hòa, Long An) rầu rĩ: “Khó khăn lắm tôi mới cho ghe tắp được vào bờ mà thở. Giờ chỉ còn cách đợi con nước lớn đẩy lục bình đi bớt rồi mới dám di chuyển tiếp”.
Thay đổi phương án xử lý lục bình
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 18.4, ông Trịnh Văn Lo- Phó Giám đốc Sở GTVT Tây Ninh cho biết, những ngày qua đích thân ông cũng đã khảo sát thực trạng lục bình “chiếm lĩnh” sông Vàm Cỏ Đông tại khu vực Bến Kéo, Giang Tân (thuộc H.Hòa Thành). Ông Lo cho hay: “Tình trạng lục bình xuất hiện tràn ngập khiến cho giao thông đường thủy bị tắt nghẽn cục bộ hơn 10 ngày nay, ghe tàu di chuyển không được tốn nhiên liệu hoặc gây thiệt hại cho người dân”.
Mới đây, Sở GTVT đã quyết định chấm dứt hợp động với Công ty Thanh Sơn, đơn vị xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. “Nguyên nhân chấm dứt hợp đồng do đơn vị này hoạt động cầm chừng hơn 2 năm nay. Nhiều lần Sở kiểm tra nhưng tình trạng lục bình chiếm lĩnh mặt sông vẫn tái diễn”, ông Lo nói.
Được biết, trước đây Công ty Thanh Sơn có phương án xử lý bằng cách sử dụng băng chuyền đưa lục bình lên xe đem đi đổ nơi khác. Tuy nhiên, phương thức này vẫn không đạt hiệu quả vì phương tiện máy móc trục vớt chủ yếu “tự chế” nên năng suất không cao và thường xuyên bị hư hỏng làm gián đoạn liên tục. Trong khi đó, chi phí cho máy móc và nhân công cao cũng dẫn đến việc trục vớt cũng cầm chừng, không hiệu quả như mong đợi. “Với phương án trục vớt rồi mang đi bỏ như hiện nay, trong khi phải xử lý với một khối lượng rất lớn là khó có hiệu quả được. Còn phương án sử dụng lục bình để làm phân nguyên sinh có lợi nhuận quá thấp nên cũng không thể áp dụng. Trước thực trạng này, sắp tới Sở sẽ tổ chức xin ý kiến UBND tỉnh Tây Ninh để đấu thầu, tìm phương án xử lý cho hiệu quả hơn hiện nay”, ông Lo nhấn mạnh.
Giang Phương
>> Sông nghẹn vì lục bình
>> Bông lục bình
>> Sông Vàm Cỏ Đông tê liệt vì lục bình
>> Đường thủy tê liệt vì lục bình
Bình luận (0)