Lực lượng tiêm kích tàng hình Trung Quốc làm lu mờ kho F-22 của Mỹ?

Khánh An
Khánh An
16/02/2023 18:50 GMT+7

Tốc độ sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc được cho là đang bắt kịp Mỹ trong việc sản xuất tiêm kích thế hệ thứ 5.

Tiêm kích tàng hình Trung Quốc làm lu mờ F-22 của Mỹ? - Ảnh 1.

Một chiếc tiêm kích J-20 của Trung Quốc trình diễn tại Quảng Đông vào tháng 11.2022

REUTERS

Theo tờ Nikkei Asia ngày 15.2 dẫn báo cáo thường niên Cán cân Quân sự năm 2023 của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh), Trung Quốc đang vượt qua Mỹ về việc sản xuất tiêm kích tàng hình, với số lượng tiêm kích J-20A hiện đại nhất có thể vượt qua F-22 của Không quân Mỹ trong năm nay.

Nhận định được đưa ra bởi Tổng giám đốc IISS John Chipman tại sự kiện giới thiệu báo cáo Cán cân Quân sự 2023 (The Military Balance 2023). Ông cho rằng kho máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thay đổi trong 5 năm qua.

Lực lượng tiêm kích tàng hình Trung Quốc làm lu mờ kho F-22 của Mỹ?

Tiêm kích thế hệ thứ 5

Cụ thể, Trung Quốc hiện có hơn 150 tiêm kích J-20A. Dù Mỹ gia tăng số lượng tiêm kích F-35A, số lượng tiêm kích thế hệ thứ 5 này hiện có khoảng 360 chiếc.

"Tốc độ sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang bắt kịp. Nếu việc bàn giao duy trì tiến độ hiện tại, số lượng J-20A vào năm 2023 sẽ làm lu mờ kho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Không quân Mỹ là F-22", theo ông Chipman.

F-22 là tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên được đưa vào biên chế và từ lâu được xem là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ. Máy bay này bị cấm xuất khẩu vì công nghệ quá tiên tiến nên không thể để lọt vào tay nước khác.

F-22 hiện không còn được sản xuất do chi phí cao và Mỹ đã chuyển nguồn lực qua F-35, được xem là mẫu có giá cả phải chăng và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, F-22 dự kiến sẽ tiếp tục được sử dụng đến thập niên 2030, mang lại ưu thế trên không cho Không quân Mỹ.

J-20 là tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên của Trung Quốc, được thiết kế nhằm đối phó F-22.

Chỉ huy không quân Mỹ chưa phải 'mất ngủ' vì tiêm kích J-20 Trung Quốc, vẫn theo dõi sát sao

Báo cáo lưu ý rằng mức tăng danh nghĩa 7% trong ngân sách quốc phòng năm 2022 của Trung Quốc thể hiện khoản tăng khoảng 16 tỉ USD cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và là mức tăng hàng năm lớn nhất.

Những khoản tiền này đang tạo điều kiện cho PLA tiếp tục hiện đại hóa, bao gồm việc bổ sung tàu sân bay, tàu khu trục và tàu hộ tống phức tạp hơn, cũng như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới, tầm xa hơn như JL-3.

JL-3 có thể cho phép Hải quân PLA nhắm mục tiêu vào Mỹ từ phạm vi xa hơn trước đây.

Các nhà phân tích đã lưu ý rằng nếu JL-3 có tầm bắn xa hơn đáng kể so với tên lửa JL-2 hiện tại của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh có thể giữ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của mình ở Biển Đông và nhắm mục tiêu vào Mỹ từ đó, thay vì phải di chuyển ra vùng biển lớn hơn ở Thái Bình Dương.

Thay đổi công nghiệp quốc phòng

Theo ông Chipman, cuộc chiến Ukraine đã làm nổi bật tầm quan trọng của kho vũ khí và năng lực sản xuất quốc phòng.

Nhu cầu về thiết bị ngay lập tức đã khiến một số quốc gia châu Âu tìm đến các nhà cung cấp mới, ngoài các nguồn trong nước hoặc truyền thống. Ông cho biết Ba Lan đã đặt hàng xe tăng và pháo phản lực từ các công ty Mỹ và Hàn Quốc.

Theo báo cáo, Hàn Quốc được cho là "thành công công nghiệp quan trọng nhất của khu vực trong năm 2022", khi đạt thỏa thuận khung về việc bán cho Ba Lan 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực K2, 672 pháo tự hành K9 và 48 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50.

Ukraine sẽ được phương Tây cung cấp chiến đấu cơ nào?

Chiến sự tại Ukraine cũng đang thay đổi bức tranh phòng vệ châu Âu.

"Việc cung cấp cho Ukraine các thiết bị cũ hơn từ thời Liên Xô đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kho vũ khí của các quốc gia Đông Âu, khi họ trang bị các hệ thống do phương Tây sản xuất. Nó cũng tạo cơ hội để cải thiện tính phổ biến của thiết bị ở châu Âu", ông phân tích.

Trong khi đó, ông Chipman nói rằng tiền tệ yếu, tăng trưởng kinh tế chậm chạp, gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra và lạm phát tăng cao đã cản trở khả năng của các quốc gia trong việc đạt được khả năng phòng thủ mong muốn, bất chấp căng thẳng gia tăng.

"Mặc dù chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng trên danh nghĩa vào năm 2021 và 2022, lạm phát cao hơn có nghĩa là chi tiêu thực tế giảm trong cả 2 năm. Chúng tôi ước tính rằng vào năm 2022, lạm phát đã xóa sạch khoảng 312 tỉ USD chi tiêu quốc phòng toàn cầu", theo ông Chipman.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.