'Lục Vân Tiên' chuyên lao ra cứu người nhảy cầu Sài Gòn, vớt hàng chục xác

14/03/2017 09:09 GMT+7

Người cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM ‘có duyên’ với người nhảy cầu Sài Gòn cho biết trong những giây phút quyết định sống còn, anh và đồng nghiệp chỉ có duy nhất 1 phút để giành lại mạng người từ miệng ‘hà bá’.

Đó là anh Trần Hiếu Thảo (40 tuổi), nhân viên Đội điều tiết, Cảng vụ đường thủy nội địa (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM).
Hơn 3 năm nhận nhiệm vụ điều tiết tại trạm cầu Sài Gòn, anh Thảo đã kịp thời cứu 7 người nhảy cầu Sài Gòn và vớt hơn chục xác đang trong giai đoạn phân hủy trôi qua khu vực.
VIDEO: Anh Trần Hiếu Thảo chia sẻ về cảm giác 'sợ' của mình khi mỗi lần cứu người, hay vớt xác
Có lẽ vậy mà đồng nghiệp hay nói đùa rằng anh Thảo “có duyên” với người nhảy cầu.
1 phút quyết định
Chúng tôi hẹn gặp anh Trần Hiếu Thảo khi anh đã hoàn thành công việc đảm bảo giao thông đường thủy phục vụ công trình cầu metro vượt sông Sài Gòn. Thế nhưng những câu chuyện khi trực tại đây vẫn luôn trong tâm trí của anh, được anh lưu lại bằng cách viết cẩn thận lên một tờ giấy nhỏ và luôn mang bên mình.
“Một ngày hai ca, trực luân phiên nhau mà hổng hiểu sao người ta cứ lựa ca của tui mà nhảy hoài à”, anh Thảo mở đầu câu chuyện. Anh Thảo cho biết, công việc điều tiết đòi hỏi anh phải trực suốt 24 giờ trong ngày, do vậy mà mỗi lần thấy có người nhảy cầu là anh và đồng nghiệp lại phi ca nô ra cứu.
“Từ khi nhìn thấy họ nhảy là tui phải lập tức vừa nổ máy ca nô vừa nhìn con nước để đón dòng biết đường phi ra. Tuy nhiên đa số họ nhảy vào ban đêm, dòng nước chỉ có một màu đen kịt, người dân ở trên cầu đứng xem, mỗi người chỉ một hướng nên rất rối. Trong khi đó, những người không biết bơi thì 1 phút sẽ chìm nghỉm dưới dòng nước xiết”, anh Thảo chia sẻ.
Anh Thảo kể thêm, có một lần ca nô nổ máy 5 - 7 lần không được, người nhảy cầu thì ở giữa dòng đang quờ quạng tay chân, trên bờ người dân lại la hét 'sao không cứu đi, cứu đi' khiến anh gần như bị “đơ” và định bỏ cuộc. May sao, đến lần thứ 8 thì máy nổ, anh phi ca nô đón đầu con nước và cứu được 1 phụ nữ 60 tuổi (ngụ quận 10).
Chuyện những người... chán sống!
Anh Thảo tâm sự, mỗi người nhảy cầu là một câu chuyện: có người vì buồn chuyện gia đình, người thì biết có bệnh sợ làm gánh nặng cho con cái, người lại vì không xin việc được nên rơi vào bế tắc, người thì trầm cảm,… Dù là lý do gì thì anh Thảo cũng ngồi chia sẻ để họ biết quý trọng mạng sống, sau đó mới gọi điện thoại cho người nhà đến đưa về.

Những người nhảy cầu sau khi được cứu thường chưa "hoàn hồn" Ảnh: Đội điều tiết cung cấp
Anh Thảo nói, trường hợp khiến anh nhớ nhất là cậu sinh viên tên K. dùng dây nilon cột chân và đeo ba lô to trước khi nhảy cầu. Khi nhảy xuống sông, chiếc ba lô nổi lên nên dù K. uống một bụng nước cũng không bị chìm trước khi anh Thảo phi ca nô ra tới nơi.
“Vừa lên tới ca nô là K. nằm thờ người ra, vào đến bờ thì K. nói là trước khi nhảy cầu có uống thuốc tự tử nữa nên xin nước để uống cho ói thuốc ra. Lúc ói xong, K. mở ba lô đưa tui coi cái thư tuyệt mệnh, điện thoại bọc kỹ càng trong bịch bóng nói là tưởng chết thì khi vớt được xác, người ta sẽ liên hệ được đến nhà. Nghe K. nói vậy tôi liền nghiêm mặt nói chuyện cho K. hiểu khi cho con đi học xa nhà, ba mẹ mong ước, chờ đợi những gì,… Thế là K. khóc, xin lỗi rồi ra về”, anh Thảo thuật lại.
Trường hợp khác mà anh Thảo cứu được là chú A. 62 tuổi, làm bảo vệ một cửa hàng trên đường Bạch Đằng. Sau thời gian thấy trong người khó chịu, chú A. đi khám bệnh tại Bệnh viện nhân dân Gia Định thì phát hiện trong người có 2 loại bệnh. Sợ con cái tốn tiền chữa trị, chú A. đã chạy xe máy lên cầu Sài Gòn rồi nhảy xuống.
Trường hợp cậu sinh viên nhảy cầu bọc sẵn điện thoại và thẻ ATM, CMND để mọi người liên hệ người nhà Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, không phải lần nào anh Thảo cũng giành lại được mạng người từ miệng “hà bá”. Một người phụ nữ đi vespa để xe trên cầu nhảy xuống nhưng anh chạy ra đến nơi thì chị đã chìm hẳn dưới dòng nước khiến anh mãi day dứt. “Hôm đó nước lớn, sức phụ nữ không thể đứng được, tui phi ca nô tốc hành ra đó nhưng cũng không thể nào kịp, đành bất lực…”, anh Thảo bỏ dở câu nói rồi thở dài.

Những xác này thường đang phân hủy mới nổi lên, mà không có xác nào còn lành lặn, đa số là bị mất da lưng, da bụng, da mặt, mắt mũi cũng không còn nguyên vẹn, có thể do bị cá rỉa. Tui nhìn cũng sợ lắm, nhưng nghĩ đến việc gia đình họ đang trông chờ nên tui vẫn làm cho đúng với lương tâm

Anh Trần Hiếu Thảo

Những ngày sau đó, người nhà chị này liên tục đến thắp nhang và thuê ghe để chạy dọc sông tìm xác, nhìn ánh mắt ngơ ngác của hai đứa trẻ con chị, anh Thảo không khỏi xót xa.
Trong khi đó, vẫn có một số trường hợp “quyết tâm chết” nhưng vẫn may mắn sống, như trường hợp của anh N.
Vì biết bơi nên khi nhảy xuống, anh N. đứng nước được. Lúc anh Thảo chạy ca nô ra đến nơi quăng phao cứu sinh, anh N. còn nạt, đuổi anh Thảo vào bờ để yên cho mình được chết. Anh Thảo hiểu chuyện nên vẫn cho ca nô đứng tại chỗ, lát sau vì đuối quá, anh N. cũng ôm lấy phao rồi leo lên ca nô.
Ám ảnh xác chết
Ngoài cứu những người nhảy cầu, trong năm 2016, anh Thảo còn nhiều lần vớt xác người trôi sông. Anh Thảo tâm sự, ám ảnh nhất với anh có lẽ là “mùi xác”.
Nhiều lần đang trong ca trực, anh Thảo “nghe mùi” tanh thoang thoảng, nghĩ bụng anh chạy ra đứng nhìn trên sông thì thấy một xác người đang phân hủy nổi lên.
Anh vội vàng đón đầu con nước để phi ca nô, dùng dây thừng cột ngay vòng bụng để kéo xác vào bờ. “Những xác này thường đang phân hủy mới nổi lên, mà không có xác nào còn lành lặn, đa số là bị mất da lưng, da bụng, da mặt, mắt mũi cũng không còn nguyên vẹn, có thể do bị cá rỉa. Tui nhìn cũng sợ lắm, nhưng nghĩ đến việc gia đình họ đang trông chờ nên tui vẫn làm cho đúng với lương tâm”, anh Thảo nói.
Nhiều lần, anh Thảo ngủ cứ nghe tiếng gọi xa xa “Anh ơi” mà toát mồ hôi hột rồi bật dậy, nhưng không thấy ai. Những đêm như vậy, anh thấy hơi lạnh sống lưng nhưng rồi cũng yên giấc.

Anh Thảo trong một lần vớt xác ở gần khu vực cầu Sài Gòn Ảnh: Đội điều tiết cung cấp
Do vậy, anh Thảo cũng chưa lần nào dám kể với vợ về những việc mình đã làm vì sợ vợ cũng ám ảnh theo.
“Bù vào đó, tui thấy mình cũng nhiều lần tai qua nạn khỏi và gặp may mắn trong cuộc sống. Nhiều lần vì những lý do không đâu, tui tưởng mình chết giữa đường nhưng cuối cùng cũng bình an và có nhiều người giúp đỡ”, anh bộc bạch.
Đến giờ, khi nhắc lại những việc làm thầm lặng mà cao cả của mình, anh Thảo vẫn thật thà trầm giọng tâm sự: “Chắc đó là cái duyên, gặp duyên thì mình phải làm việc cho đúng tâm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.