'Lục Vân Tiên' và an dân

26/12/2015 04:31 GMT+7

Ngay từ thời Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định, ông đã có chính sách an dân mà bây giờ chúng ta rất cần học tập. Khi đó, Sài Gòn còn nhiều băng cướp giật hoạt động, gây bất an cho dân chúng.

Ngay từ thời Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định, ông đã có chính sách an dân mà bây giờ chúng ta rất cần học tập. Khi đó, Sài Gòn còn nhiều băng cướp giật hoạt động, gây bất an cho dân chúng.

Lê Văn Duyệt đã dùng uy lực của một vị tổng trấn đề ra chủ trương quét sạch các băng cướp, trả lại sự bình an cho thành phố, trả lại đời sống yên lành cho nhân dân. Với sự ra tay quyết liệt của lực lượng quân binh lúc ấy, các băng cướp nhanh chóng bị dẹp, bị bắt và bị trừng trị thích đáng. Sài Gòn - Gia Định nhanh chóng được trở về cuộc sống bình yên.
Nếu có ai hỏi: “Vậy thời Lê Văn Duyệt có Lục Vân Tiên không?”, xin thưa, Lục Vân Tiên là nhân vật hư cấu của Nguyễn Đình Chiểu, nhưng nguyên mẫu đã xuất hiện và hành hiệp ngay thời Lê Văn Duyệt. Và lực lượng này đã thực hiện hết sức hiệu quả chủ trương an dân của Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định.
Thời nay, chúng ta có nhiều “Lục Vân Tiên” cùng sống với lý tưởng vì dân như Lục Vân Tiên, cùng sống bình dị cuộc đời thường dân, đúng như Lục Vân Tiên (một người nghèo có học) từng sống.
Bên cạnh đó chúng ta cần một chính sách an dân cụ thể bằng những biện pháp kiên quyết trấn áp tội phạm, từ đó kêu gọi ý thức của người dân biết tự bảo vệ mình, và sẵn sàng phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm cứu người và trấn áp tội phạm. Những Lục Vân Tiên thời nay của chúng ta đã thể hiện một tinh thần vị nghĩa quên thân hết sức đáng khâm phục. Họ sẵn sàng vào cuộc khi có những nạn nhân kêu cứu và cần được cứu giúp, và họ hành động như vậy một cách vô tư, gần như không có thời gian để cân nhắc hay tính toán gì cả.
Một người từng có hành động nghĩa hiệp “Lục Vân Tiên” đã kể lại rất thành thật: “Năm 1990 tôi cũng đã từng cứu 2 cô gái bị trấn lột tại Lai Vu. Đến bây giờ tôi cũng không lý giải được hành động của mình khi đó, bởi lúc ấy còn đâu thời gian suy nghĩ nữa. Các bạn đừng mổ xẻ động cơ hành động, không ai lý giải được đâu, chỉ biết là phải làm vậy. Có thế thôi”.
Những Lục Vân Tiên đã hành động một cách cấp thời như vậy, trong hoàn cảnh hiểm nguy và nếu chậm ra tay một tích tắc, điều tồi tệ đã xảy ra. Nhưng những nhà hành pháp, như thời xưa là Tổng trấn Lê Văn Duyệt, còn thời nay là các cơ quan chức năng, thì có đủ thời gian và lực lượng để thực thi tốt nhất những chủ trương an dân và trấn áp tội phạm của mình. Dĩ nhiên, những “Lục Vân Tiên thời nay” là những người có mặt đúng chỗ và đúng lúc khi cái ác tính xuống tay với người lương thiện thiếu khả năng tự vệ, và hành động “giữa đường thấy sự bất bằng” của Lục Vân Tiên là hành động kịp thời nhằm cứu người và trấn áp cái ác.
Nhưng cũng có những địa điểm mà các băng cướp giật thường xuyên hành nghề, những địa điểm không hề xa lạ với các lực lượng chức năng, thì không thể để các Lục Vân Tiên phải chịu hiểm nguy như vậy. Các lực lượng chức năng hoàn toàn có khả năng kiểm soát và hành động nhanh trấn áp bọn cướp giật.
“Bọn cướp này không đáng sợ bằng sự vô tình của mọi người”, có một độc giả đã viết như vậy. Khi “sự vô tình” này trở thành một tâm lý xã hội, thì dù các Lục Vân Tiên thời nay quyết liệt ra tay nghĩa hiệp, dù khả năng họ chịu hiểm nguy nhiều hơn, thì vẫn không thể trả về sự bình yên cho nhân dân. Dĩ nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng, kỹ năng, lòng dũng cảm để hành hiệp như các “Lục Vân Tiên”. Nhưng ai cũng có thể, trong khả năng và lòng nhân ái của mình, góp phần ngăn chặn cái ác. Cùng với các lực lượng chức năng. Và cùng những Lục Vân Tiên vô cùng đáng kính trọng của chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.