Lùi áp dụng chương trình, SGK mới: Làm rõ chi phí 778 tỉ hay 1.798 tỉ đồng

03/11/2017 09:06 GMT+7

Chiều qua, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận việc lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội.

Đa số đồng tình việc lùi để có thêm thời gian chuẩn bị, nhưng nhiều ý kiến băn khoăn việc này sẽ gây tốn kém cho ngân sách.
Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày tại phiên họp, chương trình, SGK mới bắt đầu triển khai từ năm học 2019 - 2020, chậm 1 năm so với lộ trình. Phương thức triển khai cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên cả nước, cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, THCS từ 2020 - 2021 và THPT từ 2021 - 2022, không triển khai đồng thời ở lớp đầu của cả 3 cấp như quy định tại Nghị quyết 88. Sau 5 năm, tất cả lớp trên phạm vi cả nước sẽ thực hiện chương trình mới.
Lùi 1 hay 2 năm ?
Không để phát sinh thêm chi phí, nếu có phát sinh Quốc hội phải kiểm soát được, một đồng của dân cũng phải tiết kiệm
Đại biểu Quốc hội NGUYỄN HỮU CẦU (Nghệ An)
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày tại phiên họp cho thấy, đa số đồng ý lùi thời gian và thay đổi phương thức triển khai. Tuy nhiên, có
2 luồng ý kiến khác nhau về thời gian triển khai. Đa số cùng quan điểm với tờ trình, song cũng có một số đại biểu (ĐB) đề nghị cân nhắc tính khả thi của phương án điều chỉnh và đề nghị bắt đầu thực hiện chương trình SGK mới từ năm học 2020 - 2021, chậm 2 năm so với Nghị quyết 88.
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng điều mâu thuẫn là khi giảm số học sinh cho phù hợp đề án thì lại tăng số lượng lớp học, tăng giáo viên, gây gánh nặng cho ngân sách và chủ trương tinh giản biên chế. Mặt khác, mỗi địa phương có sự khác biệt về cơ sở vật chất, trình độ dân trí, giáo viên, vì vậy cần đánh giá, phân loại xếp hạng cụ thể các trường ở từng khu vực. ĐB Phúc cũng lưu ý, khi triển khai chương trình mới, một số môn tự chọn có thể “vỡ trận” khi có đông học sinh tham gia chọn, dẫn đến thiếu giáo viên, trong khi môn ít được chọn lại dư thừa giáo viên.
Một đồng của dân cũng phải tiết kiệm

Chúng tôi cam kết với Quốc hội, từng năm một sẽ công khai chi phí này để giải tỏa phát biểu là chi rất nhiều tiền

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết ông phân vân về sự lãng phí trong việc lùi thời gian áp dụng. Theo ông Cầu, đề án đã được thực hiện 3 năm, từ 2015 đến nay. Theo nghị quyết, từ tháng 6.2016 - 7.2018 phải biên soạn xong 3 SGK của
lớp 1, lớp 6 và lớp 10. “Xin hỏi Bộ GD-ĐT, 3 năm vừa rồi đã làm được bao nhiêu sản phẩm, chi hết bao nhiêu tiền và đến nay còn bao nhiêu tiền? Đến bây giờ vẫn không biết thời gian qua làm được gì, tiêu tốn bao nhiêu tiền, trong khi chúng ta tiếp tục cho kéo dài. Khi đã kéo dài thời gian sẽ kéo theo chi phí”, ông Cầu băn khoăn. Đồng tình với việc lùi thời gian, nhưng ông Cầu khuyến nghị “không để phát sinh thêm chi phí, nếu có phát sinh Quốc hội phải kiểm soát được, một đồng của dân cũng phải tiết kiệm”.
Theo ĐB Cầu, Quyết định 404 của Chính phủ phê duyệt 778 tỉ đồng cho chương trình này, trong khi dự thảo tờ trình hôm nay lại nói 80 triệu USD, tương đương 1.798 tỉ đồng. “Vậy đổi mới SGK hết 778 tỉ hay 1.798 tỉ đồng, cần làm rõ”, ông Cầu kiến nghị.
Mới tiêu hết 50 tỉ
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh giáo dục phổ thông rất quan trọng và chương trình, SGK là yếu tố đặc biệt quan trọng. Ông Nhạ khẳng định đây là lần đầu tiên có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, từ đó mới có chương trình từng môn học, viết SGK để giáo viên giảng dạy.
Việc đổi mới lần này chuyển từ phương thức truyền thống là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực học sinh, khai phóng, thực học, thực nghiệp, dân chủ trong giáo dục. “Mới nhưng phải kế thừa, phù hợp với điều kiện đất nước, khắc phục những bất cập, không phải là mới tinh hoàn toàn. Quan trọng nhất là đổi mới phương pháp, có sự liên thông, không chia cắt môn học. Những kiến thức nền tảng, căn bản là ổn định; còn lại tạo độ mở, để các địa phương chủ động 20% kiến thức”, ông Nhạ lý giải.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng khẳng định đã thận trọng lấy ý kiến 2 lần, trong đó lấy ý kiến trực tiếp của các thầy cô giáo nên kéo dài thời gian. Hiện chương trình tổng thể cơ bản đã ổn nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Trong quá trình chuẩn bị để đến năm học 2019 - 2020 thực hiện, ngành giáo dục đã từng bước đổi mới, kể cả ở những vùng sâu vùng xa, bảo đảm không có sự bỡ ngỡ. Cũng không phải chờ đầy đủ cơ sở vật chất mà ở đâu đủ điều kiện thì triển khai sớm.
Ông Nhạ cho biết thêm, SGK không phải bất di bất dịch mà có độ mở để giáo viên sáng tạo, dạy những kiến thức ngoài SGK. Hiện nay chưa có chương trình môn học. Bộ GD-ĐT cũng chưa công bố các tiêu chuẩn SGK dù đã có Hội đồng quốc gia thẩm định vì còn phải hoàn thiện thêm, bảo đảm huy động được trí tuệ xã hội tham gia viết SGK nhưng cũng không có chuyện “trăm hoa đua nở”.
Tuy nhiên, theo ông Nhạ, SGK có hay đến đâu mà giáo viên không tốt cũng khó thành công. Đây là lý do nửa năm nay, ngành giáo dục đã rà soát để có chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ quản lý, trên cơ sở đó các thầy cô tự hoàn thiện. Ngoài ra, nội dung tiểu học không có quá nhiều thay đổi, đội ngũ giáo viên có thể yên tâm triển khai.
Giải trình về số tiền chi cho đổi mới SGK, ông Nhạ cho biết đến nay chương trình mới tiêu 48,8 tỉ đồng. Còn đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới tiêu 2,3 tỉ đồng, tổng cộng hơn 50 tỉ đồng, còn lại đang trong kế hoạch.
“Chúng tôi cam kết với Quốc hội, từng năm một sẽ công khai chi phí này để giải tỏa ý kiến là chi rất nhiều tiền. Thực tế chương trình tổng thể thì mới có tiền chi cho các thầy làm chương trình. Còn đối với chương trình đào tạo giáo viên mới chỉ có tiền để xây dựng lớp bồi dưỡng chứ không phải nhiều tiền”, ông Nhạ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.