Lùm xùm BOT, 'sợ' cao tốc Bắc - Nam

Mai Hà
Mai Hà
27/04/2018 07:30 GMT+7

Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành giao thông cho rằng cao tốc Bắc - Nam là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh không có nhiều dự án giao thông mới như hiện nay.

Tuy nhiên, những lùm xùm trong quá trình triển khai và thu phí tại các dự án BOT gần đây khiến nhiều doanh nghiệp “chùn chân”.
Việc thiếu nhất quán về chính sách, thay đổi so với phương án tài chính ban đầu như điều chỉnh vị trí, mức phí qua trạm BOT, kéo dài thời gian thu phí, thậm chí là thái độ quay lưng, “bất nhất” của một số địa phương, khiến nhiều dự án có nguy cơ đổ vỡ, đặc biệt khi nguồn vốn các nhà đầu tư BOT trước đây chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Nhà đầu tư này cho rằng, các doanh nghiệp mong mỏi lớn nhất là các điều khoản hợp đồng được thực hiện chặt chẽ, chính sách pháp luật ổn định.
Còn theo một lãnh đạo Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi), nhà đầu tư rất quan tâm phần tham gia của nhà nước về vốn, giải phóng mặt bằng có được đảm bảo không.
Ông này cũng cho rằng, có nhiều yếu tố “rào cản” khiến nhà đầu tư e ngại, ngoài vốn chủ sở hữu, khó vay vốn tín dụng là lưu lượng xe, doanh thu hoàn vốn. “Lưu lượng xe trên cao tốc Bắc - Nam bị phân tải bởi QL1 chạy song song. Thực tế từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho thấy, các dòng xe lớn như xe khách, xe tải không lựa chọn cao tốc mà vẫn bám quốc lộ với mức phí thấp hơn. Vấn đề phân tải lưu lượng xe có thể ảnh hưởng đến doanh thu, đảm bảo thu hồi vốn”, lãnh đạo Vidifi chia sẻ.
Trước lo ngại này của nhiều nhà đầu tư, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, với những đoạn QL1 đã xây dựng lưu lượng 4 làn xe, lưu lượng xe cao theo dự báo sẽ tràn sang cao tốc. “Khả thi nhất là các đoạn tuyến từ Đồng Nai - Phan Thiết vì hiện nay QL1 mới có 2 làn xe, đoạn Ninh Bình - Nghi Sơn cũng rất hấp dẫn vì công nghiệp phát triển”, ông Đông nói.
Mặt khác, theo ông Đông, việc chuyển lưu lượng từ QL1 ảnh hưởng đến phương án tài chính các dự án mở rộng QL1 là phát sinh được dự báo trước trong quá trình đàm phán mở rộng QL1.
Các dự án này đều có các điều khoản hợp đồng, thậm chí có dự trù trong phương án tài chính phân tải lưu lượng xe, trong đó có việc dự trù phân tải bao nhiêu phần trăm cho cao tốc, bao nhiêu phần trăm cho QL1. “Phương án lưu lượng xe phân sang cao tốc chỉ là một phần và không vượt quá ngưỡng thu phí hoàn vốn, nhanh nhất phải 3 - 4 năm nữa mới có các dự án cao tốc song hành QL1”, ông Đông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.