Lúng túng với mũ dỏm

10/05/2013 03:15 GMT+7

Câu chuyện quanh chiếc mũ bảo hiểm (MBH) vẫn chưa dứt và xem ra các cơ quan quản lý còn đang rất lúng túng với chuyện này. Lúng túng nhất, có lẽ là lực lượng quản lý thị trường (QLTT) của Bộ Công thương.

Để đối phó với tình trạng có đến 70% MBH người dân đang sử dụng là mũ dởm và còn hứa hẹn tiếp tục gia tăng với những điểm bán mũ giả, nhái xuất hiện ở mọi hè phố, QLTT thay vì làm tốt phận sự của mình là tìm ra giải pháp để chặt đứt tận gốc những chiếc mũ dởm ấy, lại liên tục hối thúc công an phải xử phạt người đội mũ dởm khi tham gia giao thông.

Bên công an vẫn nhất quyết rằng, nhận biết MBH không đạt chuẩn là rất khó. Và thế là, trong khi nói rằng, không có đủ lực lượng để kiểm tra, tịch thu, xử phạt hết đối tượng sản xuất, kinh doanh MBH giả, kém chất lượng, ông Cục phó Cục QLTT, tại cuộc họp hôm 8.5 lại đề nghị “thí điểm” phối hợp với lực lượng CSGT đo lường chất lượng xử phạt đội MBH không đạt chất lượng tại một số tuyến phố. Theo đó, “QLTT yêu cầu dừng xe và xử phạt trường hợp nào thì CSGT có nhiệm vụ dừng xe trường hợp đó”. Có lẽ đây là ý tưởng khó hiểu nhất trong các ý tưởng khó hiểu. Bởi vì, ai cũng biết rằng, xử lý đối với vài trăm, thậm chí là vài chục nghìn cơ sở sản xuất hoặc điểm kinh doanh hàng giả, hàng nhái thì dễ hơn nhiều lần tìm cách xử phạt hàng triệu người đội mũ. Đó là chưa kể đến chuyện, việc đó chưa được luật pháp quy định. Nghị định 34/2010/NĐ-CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP chỉ quy định công an được phép xử phạt hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và luật Xử lý vi phạm hành chính (sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2013) cũng không quy định hình thức và mức xử phạt đối với hành vi đội MBH kém chất lượng. Lấy căn cứ gì để lực lượng chức năng dừng xe, kiểm tra và xử phạt người đội mũ kém chất lượng, dù cứ cho là có QLTT đứng bên cạnh “chỉ điểm” cách nhận biết?

Đành rằng, có một số người có thái độ đối phó, biết dởm vẫn đội, phạt cũng không oan. Nhưng luật pháp muốn thực thi phải có các điều kiện cần và đủ. Muốn xử phạt người đội MBH không đạt chuẩn, trước tiên phải cắt nguồn, không để các loại hàng dởm tồn tại trong xã hội. Không thể tuyệt đối, nhưng cũng không thể tiếp tục để tồn tại tình trạng tuyệt đại đa số MBH lưu hành là mũ dởm được.

QLTT hoàn toàn có thể và nên đề xuất tăng mức xử phạt đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng lên gấp 10 lần, thậm chí là 100 lần (mức phạt hiện nay 4-7 triệu đồng), thậm chí là đề xuất phương án phối hợp với các lực lượng khác để lấy lại quyền kiểm soát thị trường. Khi hàng dởm chỉ còn là thiểu số thì việc bổ sung quy định xử phạt không phải là không nên tính đến.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.