Lương giáo viên mới ra trường còn thấp hơn thu nhập của sinh viên sư phạm!

09/10/2022 07:15 GMT+7

Sinh viên sư phạm hiện nay vừa được miễn học phí lại vừa được hỗ trợ sinh hoạt phí; nghĩa là vừa được đi học vừa được có thu nhập. Thu nhập này thậm chí còn cao hơn lương của giáo viên mới ra trường.

3,63 triệu đồng là “thu nhập cứng” của mỗi sinh viên sư phạm

Từ khoá tuyển sinh 2021, theo điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).

Sinh viên sư phạm dự giờ trong chương trình thực tập. Hiện nay sinh viên sư phạm được nhận mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng.

đ.n.t

Có thể xem 3,63 triệu đồng là “thu nhập cứng” của mỗi sinh viên sư phạm vì nếu như kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên, sinh viên còn được nhận học bổng khuyến khích học tập thường xuyên của trường, đồng thời có cơ hội nhận các loại học bổng khác dành cho đối tượng khó khăn (hộ nghèo, cận nghèo…). Dĩ nhiên, đã xác định trở thành thầy/cô giáo trong tương lai thì sinh viên sư phạm nào cũng nỗ lực học tập hết mình bởi nếu bản thân không giỏi thì sau này sao có thể dạy dỗ học trò.

Lương đi làm thấp hơn lúc đi học!

Trong khi đó, hiện nay mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Tiền lương tháng của cử nhân sư phạm/giáo viên mới ra trường được tính theo công thức:

Tiền lương tháng = Hệ số lương x mức lương cơ sở + mức phụ cấp ưu đãi được hưởng - mức đóng bảo hiểm xã hội (phải sau 5 năm công tác thì giáo viên mới được hưởng phụ cấp thâm niên).

Mức phụ cấp ưu đãi = Lương cơ sở x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi. Trong đó, tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi dao động từ 25% đến 50%, tùy từng đối tượng giáo viên và địa bàn công tác.

Giáo viên mầm non, tiểu học tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi là 35%. Giáo viên THCS tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi là 30%. Giáo viên THPT tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi là 30%.

Mức đóng bảo hiểm xã hội của giáo viên bao gồm: Hưu trí – tử tuất: 8%; bảo hiểm thất nghiệp: 1%; bảo hiểm y tế: 1,5%.

Nếu dạy ở trường công thì lương giáo viên mới ra trường còn thấp hơn sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm đang được nhận

đ.n.t

Như vậy, mỗi tháng giáo viên sẽ đóng bảo hiểm xã hội tổng cộng bằng 10,5% tiền lương tháng. Và trong năm thử việc đầu tiên, giáo viên chỉ được nhận 85% lương.

Căn cứ theo các Thông tư 02/2021/ TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học công lập; Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên THCS công lập; Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên THPT công lập, hệ số lương khởi điểm của giáo viên tiểu học, THCS, THPT đều là 2,34. Do đó, tính tổng thu nhập sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì mỗi giáo viên mới ra trường chỉ còn nhận được khoảng 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, giáo viên còn có một số khoản đóng góp thường xuyên khác như: 1% lương/tháng đóng công đoàn phí, nếu là đảng viên thì 1% lương/tháng đóng đảng phí, mỗi năm trừ một số ngày lương đóng góp các quỹ như: quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống thiên tai… và một số khoản ủng hộ đột xuất khác.

Do đó, nếu dạy ở trường công thì lương giáo viên mới ra trường còn thấp hơn sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm đang được nhận! Thu nhập khi đi làm lại không bằng lúc đi học trong khi mức chi tiêu lại tăng lên thì giáo viên mới ra trường chỉ có thể sống hoặc bằng nguồn viện trợ của gia đình, hoặc làm thêm các công việc khác để theo đuổi đam mê nghề cầm phấn.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được ban hành với mục đích thu hút người giỏi chọn học ngành sư phạm. Tuy nhiên, nếu lương của giáo viên không được cải thiện thì mục tiêu này sẽ khó đạt được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.