Như trường hợp 1.000 công nhân của một công ty trong Khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức, TP.HCM) ngừng việc hôm 25.8 vì không đồng ý mức tăng lương đồng loạt 260.000 đồng của công ty cho mọi cấp bậc (tức cả công nhân mới và thâm niên, trực tiếp hay gián tiếp). Sau đó, Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã họp khẩn cùng tổ chức công đoàn và các bên liên quan. Qua trao đổi thống nhất giữa các bên, công ty quyết định tăng lương cơ bản 300.000 đồng/người cho tất cả NLĐ (bậc 1 từ 4.730.000 đồng tăng lên 5.030.000 đồng); phần chênh lệch phần trăm sẽ được tính vào phụ cấp (tính đóng bảo hiểm bắt buộc, tính tăng ca).
Cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ DN, NLĐ |
NGỌC DƯƠNG |
Điều tôi chú tâm trong sự việc này chính là lời chia sẻ của một nữ lao động tại buổi ngừng việc tập thể trên. Theo cô, không ai muốn ngừng sản xuất, nhưng hiện tại cuộc sống họ quá khó khăn. NLĐ đã chia sẻ gánh nặng với công ty suốt thời gian dịch Covid-19, nếu bây giờ tình hình ổn định chỉ tăng mức 260.000 đồng thì “thử hỏi ăn gì, uống gì, nuôi con kiểu gì?”.
Thực tế, số liệu tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tại TP.HCM tháng 6.2022 vẫn còn khiêm tốn (3,1%). Điều này cho thấy DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc tăng lương tối thiểu vào giữa năm tác động trực tiếp tới đơn vị vì không kịp đàm phán vào các đơn hàng.
Nhưng chiều ngược lại, mức tăng 6% không phải là con số lớn đối với NLĐ khi lạm phát gia tăng. Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8.2022 tăng 1,95% so với cùng kỳ năm ngoái, đáng kể nhất là giá năng lượng và thực phẩm. Điều đó có nghĩa một bộ phận NLĐ phải chật vật chi tiêu (cần lưu ý lương tối thiểu khác lương đủ sống) vì họ thường có người phụ thuộc như con nhỏ hoặc cha mẹ già.
Nay Chính phủ đã khẩn trương tăng lương tối thiểu, nhưng các giải pháp khác cũng cần đẩy nhanh như: các gói hỗ trợ cho DN; kiểm soát, giải quyết sức ép vì lạm phát; tăng cường hệ thống an sinh xã hội và hỗ trợ thu nhập... để đời sống NLĐ đỡ khó khăn hơn.
Bình luận (0)