Cụ thể, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua và sáng nay (30.8), ở khu vực Bắc bộ và Tây nguyên có mưa vừa và giông, có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 19 giờ ngày 29.8 đến 10 giờ ngày 30.8 có nơi trên 100 mm như: Quân Chu (Thái Nguyên) 270 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 200 mm, Minh Sơn (Hà Giang) 174,6 mm, Cam Đường (Lào Cai) 159,4 mm, Minh Bảo (Yên Bái) 103,3 mm, Lăng Can (Tuyên Quang) 102 mm, Ngọc Tụ (Kon Tum) 120,4 mm… Ở khu vực Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to cục bộ.
Dự báo, từ tối 30.8 - 1.9, ở khu vực Tây nguyên có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40 - 100 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và tối).
Như vậy, trong vòng chưa đầy 1 ngày, cơ quan khí tượng đã thay đổi dự báo lượng mưa 2 lần của khu vực Tây nguyên trong 2 bản tin lúc 9 giờ và 15 giờ 30. Cụ thể, lượng mưa cục bộ tại khu vực này được dự báo tăng từ 90 mm lên 100 mm và trên 150 mm.
Ngoài ra, khu vực Bắc bộ có mưa vừa và giông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa 20 - 40 mm, cục bộ có nơi trên 80 mm (mưa tập trung vào đêm và sáng). Khu vực bắc và Nam Trung bộ, Nam bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10 - 30 mm, có nơi trên 60 mm (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).
Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo, từ chiều tối ngày 1 - 2.9, ở Tây nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20 - 50 mm, có nơi trên 80 mm.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, nhất là trong dịp nghỉ lễ 2.9, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP khu vực Bắc bộ và Tây nguyên huy động mọi lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua. Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Cạnh đó, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan. Lưu ý, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông cũng như các hoạt động trong khu du lịch, khu vui chơi, giải trí trong dịp nghỉ lễ.
Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra...
Bình luận (0)