Sáng 14.12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29, ngày 4.11.2013) của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
LƯƠNG CÒN THẤP, GIÁO VIÊN TRẺ NGHỈ VIỆC NHIỀU
Theo dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, về vấn đề phát triển đội ngũ, Bộ GD-ĐT cho biết bên cạnh các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, chính sách thu hút học sinh (HS) giỏi vào ngành sư phạm, Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo tới đội ngũ nhà giáo, với nhiều chính sách hỗ trợ ngoài lương để nhà giáo tăng thêm thu nhập như: phụ cấp thâm niên nhà giáo; phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy các cấp học, môn học, đối tượng dạy học theo các mức từ 25 - 70%; phụ cấp vùng miền.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách tôn vinh, khen thưởng đội ngũ nhà giáo đã được các địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện kịp thời, công khai, dân chủ…
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, thực tế vẫn còn nhiều bất cập về điều kiện làm việc và chế độ, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng; lương nhà giáo còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề (trong 5 năm đầu, lương nhà giáo trung bình chỉ đạt 5 triệu đồng/tháng), chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29; mức lương và chế độ chưa tạo được động lực trong bối cảnh áp lực công việc của nhà giáo ngày càng lớn.
Đáng chú ý, số lượng HS cả nước tăng nhanh do gia tăng dân số tự nhiên, cùng với việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên (GV) ở nhiều địa phương. Việc tuyển dụng, quản lý biên chế GV theo địa giới hành chính nên khó khăn cho việc sắp xếp, điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu. Sức hút vào ngành còn hạn chế do áp lực công việc lớn, thu nhập còn thấp, nhất là đối với GV trẻ. Tình trạng nghỉ việc của GV trong mấy năm vừa qua có xu hướng tăng, GV nghỉ việc độ tuổi dưới 35 chiếm 60% tổng số GV nghỉ việc. "Tình trạng nghỉ việc của GV có xu hướng gia tăng chủ yếu do áp lực nghề nghiệp và chính sách tiền lương còn nhiều bất cập khiến GV lựa chọn việc làm khác có thu nhập cao hơn. Đội ngũ nhà giáo đang chịu tác động bởi nhiều văn bản quy phạm khác nhau nên việc điều chỉnh chính sách đối với GV gặp nhiều khó khăn", báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu.
ĐỀ XUẤT KHÔNG CẮT GIẢM BIÊN CHẾ CƠ HỌC
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản GD-ĐT, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, ông Cương cũng nêu thực tế, Hà Nội hiện còn thiếu hơn 10.000 GV so với yêu cầu đặt ra. Mỗi năm số HS của Hà Nội tăng rất lớn, nếu tính trung bình mỗi năm TP phải xây thêm 35 - 40 trường học mới đủ chỗ học cho HS. Ví dụ như năm nay số lượng HS tăng rất lớn, riêng lớp 1 tăng khoảng 7.000 HS, lớp 6 tăng 58.000 HS nên Hà Nội phải rất quyết tâm để đủ chỗ học cho HS.
Ông Cương đề xuất một số kiến nghị, trong đó cần bổ sung vào dự thảo về việc chưa thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo Nghị quyết 29. Cụ thể là "lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bảng lương hành chính sự nghiệp", do vậy đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện chính sách lương cho nhà giáo đã quy định tại Nghị quyết 29. Đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế tuyển dụng GV để giải quyết vấn đề thiếu GV của Hà Nội và các địa phương hiện nay; không áp dụng máy móc yêu cầu giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các cơ sở giáo dục. "Đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh xem xét điều chỉnh tăng số lượng cấp phó tại các trường có quy mô lớn như trường liên cấp, trường có nhiều cấp học, trường trọng điểm. Nếu quy định chỉ có 2 cấp phó như hiện nay thì rất khó cho các cơ sở giáo dục có quy mô lớn", ông Cương nói.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng mong muốn bổ sung vào nghị quyết về quy định tự chủ trong giáo dục phổ thông công lập vì hiện trong dự thảo mới đề cập đến các cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục ĐH. Ngành GD-ĐT Hà Nội đang tham mưu rất quyết liệt về vấn đề tự chủ cho trường công lập trên địa bàn TP. Sẽ tính toán về giá dịch vụ đối với GD-ĐT để góp phần giải quyết "nút thắt" trong việc thiếu biên chế, phát huy vai trò tự chủ trong các trường học.
NHÀ GIÁO CÓ VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng trong kết luận của Bộ Chính trị trong thời gian tới, chắc chắn có mấy điểm cần đề cập tới, xoay quanh 3 vấn đề chính: nhận thức, thể chế và nguồn lực.
Vấn đề nhận thức, bản thân Nghị quyết 29 đã là đổi mới về quan điểm đối với giáo dục; nhưng nhận thức ở trong các cấp, các ngành trong giáo dục vẫn là một vấn đề lớn; sẽ còn phải tiếp tục nhận thức về đầu tư cho giáo dục, về tự chủ trong giáo dục, về xã hội hóa trong giáo dục và nhận thức trong các vấn đề chuyên môn của ngành. Bên cạnh một nhận thức cho đầy đủ và thấu đáo, quan trọng hơn cần sự hành động tương xứng và cần sự hành động cho đến nơi đến chốn.
"Nếu chỉ gia tăng về nhận thức thì hằng ngày chúng ta vẫn nói với nhau rằng "giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhưng sẽ chỉ dừng ở đó mà thôi. Câu chuyện hành động cho tương xứng với nhận thức vẫn là câu chuyện lớn cần làm tiếp để cho những vấn đề của Nghị quyết 29 được thực hiện một cách đầy đủ và triệt để trong thời gian sắp tới", Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Về vấn đề thể chế, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng sẽ cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng luật mới là luật Nhà giáo và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hóa trong giáo dục, tự chủ trong giáo dục và mở đường cho những đổi mới khác.
Vấn đề nguồn lực, bao gồm tài chính giáo dục, đầu tư cho giáo dục và nguồn lực con người. Hai từ khóa rất quan trọng là tiền và con người. Càng ngày chúng ta càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới này và chắc chắn chúng ta sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa phát triển đội ngũ nhà giáo để hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian sắp tới.
Ông Sơn cũng cho biết sau hội nghị này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục các ý kiến và tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Ngân sách cho GD-ĐT chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo; tỷ lệ chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 20% theo yêu cầu của Nghị quyết 29 và luật Giáo dục 2019. Việc phân bổ ngân sách còn bất cập, ngân sách địa phương phân bổ cho hoạt động giáo dục chủ yếu chi cho lương, thậm chí một số địa phương không bảo đảm cơ cấu chi cho giáo dục.
Việc đầu tư ngân sách cho giáo dục ĐH còn rất thấp, nhiều cơ sở giáo dục ĐH công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo (tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định) và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo; học phí của các cơ sở giáo dục ĐH công lập còn chậm được điều chỉnh để bảo đảm bù đắp đủ chi phí theo lộ trình quy định nên ảnh hưởng đến khả năng tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục ĐH. Chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục.
Bình luận (0)