Tìm con đường riêng của Việt Nam để công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/06/2023 08:14 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nhóm giải pháp đầu tiên được Chính phủ xác định trong chương trình hành động là đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Báo cáo tham luận tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao Công nghiệp 4.0 chiều 14.6, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho hay dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030.

Các nhiệm vụ, giải pháp giao cho từng cấp, từng ngành kèm theo thời hạn hoàn thành, phân định rõ ràng trách nhiệm, dễ theo dõi, giám sát và đánh giá. "Dự thảo đã được lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ với đa số các thành viên Chính phủ đồng ý. Hiện Bộ KH-ĐT đang tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6.2023", ông Trung nêu.

Tìm con đường riêng của Việt Nam để công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Ảnh 1.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tham luận tại diễn đàn

NGỌC THẮNG

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nhóm giải pháp đầu tiên được Chính phủ xác định trong chương trình hành động là đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Ông Trung cho hay Chính phủ xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là: thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Cùng đó, nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước…

Vẫn theo ông Trung, Chính phủ cũng xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH đất nước. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng.

Ngoài ra còn có hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chính sách ưu đãi phù hợp về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai... cho nghiên cứu khoa học công nghệ. Cùng với đó là chính sách thu hút đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy và hỗ trợ quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn…

Rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Tham luận với chủ đề chuyển đổi số như là phương thức phát triển mới có tính đột phá giúp rút ngắn quá trình CNH, HĐH của Việt Nam, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng mỗi nước rồi cũng phải đi con đường riêng của mình để CNH, HĐH đất nước. CNH, HĐH Việt Nam thì phải đi con đường Việt Nam, dựa trên bối cảnh văn hóa, trình độ phát triển, chế độ, tố chất con người và những bài toán Việt Nam.

Theo Bộ trưởng TT-TT, để tìm ra con đường Việt Nam về CNH, HĐH thì phải có góc nhìn riêng, độc đáo về CNH, HĐH trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo ông Hùng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng về phát hiện vấn đề và nhu cầu. Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp, có khát vọng vươn lên, có rất nhiều nhu cầu và vấn đề nên đây là lợi thế Việt Nam.

"Nhưng để ứng dụng công nghệ mới, mô hình mới thì phải thay đổi thể chế. Vì thế mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Nhưng thể chế lại là do con người. Vậy nên, phát triển hay không lại là do dám hay không dám thay đổi", ông Hùng nêu.

Với chuyển đổi số, ông Hùng cho rằng công nghệ số và chuyển đổi số chính là "đặc trưng cơ bản" của CNH, HĐH. The ông, CNH, HĐH trong bối cảnh ngày nay có sự tham gia mạnh mẽ của dữ liệu, thậm chí đóng vai trò quyết định. "Việt Nam chúng ta là một Đảng lãnh đạo, có thể tạo ra chính sách đột phá về chuyển đổi số và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số mà nhanh thì cũng giúp đẩy nhanh CNH, HĐH", ông Hùng khẳng định.

Từ phân tích của mình, ông Hùng nhìn nhận khi một cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ di chuyển lợi thế từ nước này sang nước kia. Những lợi thế mới này thường xuất phát từ vị trí địa chính trị của một nước, từ văn hóa của nước đó, từ tính cách người dân nước đó. "Điều quan trọng là tìm ra cách tiếp cận đúng để biến điểm yếu của mình thành lợi thế trong tận dụng cơ hội của chuyển đổi số để đẩy nhanh, rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước", Bộ trưởng TT-TT khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.