Lương thấp, không tuyển được giáo viên tiếng Anh

Bích Thanh
Bích Thanh
30/08/2022 06:00 GMT+7

“Muôn đời chỉ tại lương” là câu nói đầu tiên của cán bộ quản lý phòng GD-ĐT một quận tại TP.HCM khi đề cập thực trạng thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học.

Lương 3 triệu đồng/tháng, rẽ hướng chọn nghề khác

Với thâm niên 40 năm làm trong ngành giáo dục, từ giáo viên (GV) sau đó 11 năm làm hiệu phó, 10 năm là hiệu trưởng và gần 2 nhiệm kỳ quản lý phòng GD-ĐT, vị cán bộ quản lý nói trên tâm tư: “Tình trạng thiếu GV tiếng Anh cứ “nói hoài nói mãi”. Đến nay “chán không muốn nói” nữa vì học sinh ngày càng đông, đặc biệt khu vực quận, huyện ngoại thành, áp lực về dân nhập cư nên nhu cầu GV ngày càng nhiều”.

Cũng vị quản lý này cho biết nghịch lý là với chuyên môn ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ĐH có nhiều cơ hội việc làm thu nhập cao hơn nên rẽ hướng, không chọn nghề giáo.

Vị trưởng phòng GD-ĐT này nói thêm: “Dù chính sách tuyển dụng có nhiều cởi mở, không đòi hỏi hộ khẩu TP.HCM, có thể tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh và bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là có cơ hội trúng tuyển vào làm việc tại các trường công lập nhưng năm nào cũng thiếu nguồn. Chẳng hạn, năm nay các trường tiểu học còn thiếu 32 GV tiếng Anh vì không có ứng viên tuyển dụng”.

Hằng năm vất vả khi tuyển GV tiếng Anh nên vị lãnh đạo trên cho hay: “Nguồn tuyển đã khan hiếm vì huyện ngoại thành, ít giáo sinh có nhu cầu. Trong khi đó thu nhập của nghề giáo thấp, lương GV mới ra trường chỉ gần 3 triệu đồng, phụ cấp đứng lớp, hỗ trợ theo chính sách của TP thì nhận chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Nếu độc thân, sống chung với gia đình thì may ra còn chấp nhận chứ phải lo gánh vác gia đình thì nhiều GV trụ khoảng 6 tháng đến một năm là chia tay”.

Lương thấp, áp lực công việc là một trong những lý do khiến tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh tiểu học kéo dài nhiều năm nay

NGỌC DƯƠNG

Trần Thị Mỹ Nương, GV Trường tiểu học Trần Quốc Toản (H.Bình Chánh, TP.HCM), cho hay dù theo quy định số tiết nghĩa vụ là 23 tiết/tuần nhưng hầu như ngày nào cũng có mặt ở trường. Nếu không tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường thì cũng họp chuyên môn hay tranh thủ trống tiết thì soạn bài, lên điểm, làm sổ sách giấy tờ… Đặc biệt là huyện ngoại thành, áp lực về sĩ số học sinh, cơ sở vật chất trường lớp không tổ chức 2 buổi/ngày được nên không chỉ dạy từ thứ hai đến thứ sáu mà còn phải đến trường dạy một số tiết theo quy định vào ngày cuối tuần.

Khi được hỏi về thu nhập hằng tháng từ công việc giáo viên tiếng Anh tiểu học, GV Mỹ Nương thật thà: “Lương theo ngạch bậc là 3,8 triệu đồng cộng thêm phụ cấp, tính ra mỗi tháng nhận gần 5 triệu đồng. Em vào làm việc được 3 năm rồi chứ hồi mới vào trường lương em có hơn 2 triệu đồng. Nếu không vì truyền thống gia đình và bản thân yêu công việc này thì em đã tìm cơ hội việc làm khác, thu nhập cao hơn rất nhiều”.

Đề xuất giảm số tiết nghĩa vụ để tăng thu nhập

Trong báo cáo, đánh giá về thực tế việc dạy và học ngoại ngữ ở bậc tiểu học, Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM có chỉ ra rằng việc dạy ngoại ngữ trong trường tiểu học ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao. Các trường có những chuẩn bị chu đáo cho việc triển khai môn học với tư cách là môn học bắt buộc theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay, tất cả trường tiểu học đều có sự tham gia phối hợp giảng dạy tiếng Anh qua hình thức xã hội hóa GV, GV bản ngữ, phần mềm, tài liệu bổ trợ, đem đến cho học sinh cơ hội mở rộng kiến thức đồng đều, tạo môi trường tốt cho tất cả học sinh. Đồng thời học sinh cũng được tiếp cận với nhiều chuẩn đánh giá quốc tế góp phần cho việc hội nhập sau này.

Tuy nhiên, cũng trong báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, thống kê cho thấy có trên 97,2% học sinh tiểu học, bao gồm cả 5 khối lớp, được học môn tiếng Anh nhưng việc tổ chức dạy tiếng Anh của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, theo Sở GD-ĐT, lương của GV tiếng Anh tiểu học quá thấp, GV mới ra trường hưởng lương khoảng 3 triệu đồng/tháng trong khi số tiết dạy nghĩa vụ lại quá cao (23 tiết/tuần). Do đó, hiện các quận huyện rất khó tuyển GV hoặc giữ chân GV giỏi, có kinh nghiệm, đặc biệt ở các vùng xa xôi khó khăn.

Chính ông Nguyễn Văn Nguyện, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (H.Bình Chánh) cho biết: “Trường có 3 GV tiếng Anh, thời gian ở trường từ sáng đến 5 giờ chiều, công việc khá vất vả. Thế nhưng, hầu hết các cô đều phải tìm việc làm thêm đến 9 giờ tối vì thu nhập từ công việc chính không thể đủ để lo cho cuộc sống gia đình”.

Về mức thu nhập của GV nêu trên, chị Nguyễn Thị Bích Vân, có con đang học tại Trường tiểu học An Lạc (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho rằng: “Với mức lương 3 triệu đồng/tháng, nào là lo tiền ăn, tiền xăng xe đi dạy hằng ngày, sinh hoạt phí… sao mà tồn tại được ở TP.HCM. Quá bất hợp lý, lương như vậy làm sao có GV giỏi, yên tâm với nghề?”.

Chính vì vậy, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, các quận huyện rất khó tuyển GV hoặc giữ chân GV giỏi, có kinh nghiệm, đặc biệt ở các vùng xa xôi, khó khăn. Ở các nơi này, việc tuyển GV tiếng Anh đủ tiêu chuẩn hầu như là không thể thực hiện được. Chính vì vậy tuyển GV mới và đào tạo lại để có kỹ năng dạy tiếng Anh tiểu học là việc phải tiến hành liên tục hằng năm, dẫn đến sự bất ổn về nhân sự.

Qua thực trạng trên, Sở GD-ĐT TP.HCM mong muốn Bộ GD-ĐT có hướng giảm số tiết nghĩa vụ của GV dạy tiếng Anh từ 23 tiết nghĩa vụ/tuần xuống còn khoảng 18 tiết/tuần. Với đề xuất này, ông Nguyễn Văn Nguyện cho biết: “Tùy vào thực tế nhân sự, số lớp của mỗi trường, mỗi GV sau khi dạy đủ số tiết trách nhiệm thì có thể nhận tiền phụ trội. Tính ra trung bình mỗi GV có thể tăng thu nhập 1 triệu đồng/tháng, tuy không nhiều nhưng có còn hơn không!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.