Tuy nhiên, việc lướt mạng xã hội nhiều vô tình tạo ra một áp lực vô hình đối với giới trẻ khi có người không ngừng so sánh chính mình với những hình ảnh hoàn hảo trên mạng, dẫn đến cảm giác tự ti.
Càng lướt mạng xã hội, càng thấy áp lực?
Khảo sát nhanh với một bộ phận sinh viên thuộc Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, cho thấy đa số các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội cho mục đích giải trí nhiều hơn 1 giờ đồng hồ mỗi ngày. Có trường hợp, sinh viên dành tới 5, 6 giờ đồng hồ cho việc "lướt" mạng xã hội. Điều đáng quan tâm là tất cả họ đều thừa nhận trong quá trình giải trí đó đôi khi xuất hiện những bài viết khiến bản thân thấy áp lực.
Trần Anh Huy (20 tuổi), ngụ tại đường Đông Yên, P.Đông Hòa, Dĩ An (tỉnh Bình Dương) thường sử dụng các mạng xã hội như: Threads, Facebook... khoảng 4 giờ đồng hồ một ngày. Gần đây, Anh Huy cảm thấy áp lực khi thường xuyên bắt gặp những bài đăng khoe thu nhập, chia sẻ hành trình thành công. "Mình thấy một số bài viết chia sẻ cách học, kiếm tiền khá bổ ích. Nhưng bản thân vẫn thấy áp lực khi đọc được các thông tin đó vì người viết thường là những bạn bằng tuổi, thậm chí là nhỏ hơn mình. Mình áp lực vì thấy bản thân kém cỏi", Huy trải lòng.
Còn với Lê Hoàng Anh Tài (19 tuổi), ngụ tại đường số 8, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM), việc lướt mạng xã hội đã khiến bản thân gặp phải áp lực đồng trang lứa. Tài bộc bạch: "Có nhiều khi mình áp lực vì nhìn thấy các bài đăng chia sẻ về thành tích cá nhân của bạn bè xung quanh trên Facebook. Những bài viết đó thường xuất hiện chung một thời điểm và liên tục mỗi lần mình tải lại trang chủ. Mình thường so sánh bản thân với những người bạn đó và rơi vào trạng thái căng thẳng, thấy tự ti hoặc lo lắng về tương lai của chính bản thân".
Nguyễn Phương Linh (23 tuổi), hiện đang là du học sinh tại Hàn Quốc, trong mắt bạn bè là một người đang có cuộc sống đáng mơ ước. Với những thành tích học tập của mình, Linh được nhiều bạn bè đánh giá là một người tài giỏi, đáng ngưỡng mộ. Thế nhưng, Linh cho biết vẫn cảm thấy áp lực khi vô tình thấy được các bài đăng của bạn bè những lúc lướt Facebook, Instagram...
Linh chia sẻ: "Thỉnh thoảng khi mình bắt gặp bạn bè đăng hình đi làm, vui chơi hoặc nhận giấy khen, giải thưởng thì bản thân thường có tâm lý tự động đặt câu hỏi tại sao người ta làm được, họ có mà mình thì lại không".
Linh chia sẻ thêm góc nhìn: "Chuyện áp lực này nối dài thành một chuỗi. Khi mình thấy áp lực với những thành tựu của người khác, cũng sẽ có người thấy áp lực với những gì mình làm được. Cứ thế, mình nghĩ nó sẽ chẳng bao giờ ngừng được".
Nguyên nhân từ chính bản thân
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, cựu giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định: "Những bài viết xuất hiện trên mạng xã hội của mọi người xung quanh khiến các bạn trẻ thường nhìn vào những cái đủ đầy, trọn vẹn ấy rồi so sánh với chính bản thân mình. Điều đó, có thể gây ra các rối nhiễu tâm lý như: căng thẳng, rối loạn lo âu, sợ hãi, thậm chí là giảm sự tự tin".
Thạc sĩ Đặng Hoàng An cho biết ngoài những tác động bên ngoài, nguyên nhân sâu xa khiến các bạn trẻ cảm thấy áp lực đến từ chính bản thân. Khuyết thiếu kỹ năng sống nên khi người trẻ đứng trước các thông tin tràn lan trên mạng xã hội thì không biết cách chọn lọc. Đa số bạn trẻ chưa biết cách định vị bản thân đúng, thường chỉ so sánh chính mình với người khác thay vì so với bản thân ở giai đoạn trước. Do vậy, vô tình đã tự tạo nên áp lực cho chính mình.
Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ vẫn có tâm lý vững vàng, giữ được sự tỉnh táo khi đối diện với nhiều thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội. Họ nhận thức được sau lớp hào nhoáng trên mạng xã hội cho thấy, phần chìm vẫn sẽ có những điều chưa hoàn hảo hay khuyết điểm không dám nhắc đến.
Thạc sĩ An đưa ra lời khuyên: "Người trẻ cần giữ cái đầu… lạnh để có thể sáng suốt khi đối diện với tất cả các thông tin trên mạng xã hội, hiểu được nguyên nhân khiến bản thân cảm thấy áp lực. Từ đó, hạn chế tiếp xúc với nội dung mang tính tiêu cực. Cần học thêm những kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội để có cái nhìn đa chiều trong chọn lọc thông tin. Quan trọng nhất, các bạn cần giảm lượng tương tác trên mạng xã hội, tăng tương tác thực bên ngoài bằng cách tham gia nhiều hoạt động thể thao, gặp gỡ bạn bè".
Bình luận (0)