Mong muốn có thể bảo tồn được những giá trị di sản của đô thị, nhóm Urban Sketchers VietNam đã len lỏi trong từng ngõ ngách, từng nẻo đường khắp các tỉnh thành để ký họa lại.
Những hình ảnh đô thị được lưu lại bằng ký họa - Ảnh: T.N |
Lưu lại cảnh đẹp
Ý tưởng này là của kiến trúc sư Vũ Đức Chiến (TP.HCM). Anh cho biết có vô số cảnh đẹp, di tích kiến trúc, những ngôi nhà cổ, những góc đường rất đặc biệt…, thế nhưng vì đô thị biến đổi hằng ngày nên nhiều khi vừa trông thấy cảnh đẹp ấy, sau một thời gian quay lại đã chẳng còn, mất đi vĩnh viễn. Những hàng cây xanh đã bị đốn ngã, những ngôi nhà đã bị đập bỏ.
Hình ảnh cây cột điện rất quen thuộc ở VN, hay những chiếc xích lô, xe lam, ghe thuyền… cũng dần ít đi, trong khi chúng là những hình ảnh rất đẹp.
“Cảm giác khi ấy rất hụt hẫng và buồn nhiều lắm. Tôi lo những giá trị của vẻ đẹp đô thị ấy sẽ hao hụt và ngày càng biến mất nên nghĩ đến việc ký họa đô thị, lưu lại thành những tác phẩm để những vẻ đẹp không thành quá vãng, bị quên lãng vào quá khứ”, anh chia sẻ.
Anh lập nhóm Urban Sketchers VietNam trên mạng xã hội để tìm kiếm thêm những người bạn đồng hành. Thật bất ngờ ý tưởng ký họa đô thị đã nhận được sự ủng hộ của hàng ngàn người, lan tỏa trên khắp cả nước, thu hút mọi người ở nhiều lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, đến những người cao tuổi. Cả những người bạn quốc tế đến từ các nước như: Malaysia, Thái Lan, Philippines, Sri Lanka… cũng tham gia vào Urban Sketchers VietNam.
Đem ra những tác phẩm ký họa đô thị, anh khoe: “Đây là nhà thờ Đức Bà, đây là vòng xoay Bưu điện Chợ Lớn, còn đây là tượng đài Phan Đình Phùng…”. Vũ Đức Chiến cho biết: “Chẳng thể đếm được số lượng tác phẩm do các thành viên vẽ là bao nhiêu, chỉ biết rằng rất nhiều, có lẽ đến con số hàng ngàn, lưu lại cảnh đẹp khắp muôn nơi”. Được biết suốt 2 năm qua, các thành viên trong nhóm Urban Sketchers VietNam đã tìm đến nhiều nơi như Hà Giang, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM… để ký họa lại những cảnh đẹp.
Ký họa để yêu thương
Theo chân các thành viên của nhóm tham gia sự kiện ký họa đô thị ở Q.1 (TP.HCM), người viết không khỏi bất ngờ khi hàng chục người say mê với bộ môn nghệ thuật này. Với những hộp màu, bút vẽ đủ loại, những trang giấy A3, A4…, có người cũng chẳng cần đến ghế mà ngồi bệt xuống đất để tỉ mẩn trong từng nét vẽ. Họ thích thú và say mê lưu lại những cảnh đẹp, những góc đường, hàng cây, cột điện… Dẫu có lúc trời nắng như đổ lửa, hay đôi khi trời mưa như trút nước, thì họ vẫn kiên nhẫn hoàn thành tác phẩm, để có thể lưu lại những hình ảnh đẹp.
Chúng tôi thắc mắc: “Để lưu lại cảnh đẹp có thể chụp hình, tại sao lại chọn nghệ thuật ký họa?”. Vũ Đức Chiến cho rằng khi ký họa là ra trực tiếp nơi muốn vẽ để cảm nhận, hít thở và vẽ lại bằng cảm xúc thật. Ký họa như là cách để trải nghiệm cuộc sống, thể hiện sự yêu thương với nơi ấy nhiều hơn.
Cũng theo anh, việc ký họa đô thị còn là cách để có thêm cơ hội nghiên cứu và bổ sung kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Anh chia sẻ: “Khi ký họa lại một ngôi nhà cổ hay những di tích kiến trúc là dịp để chúng tôi nghiên cứu những chi tiết hoa văn, khuôn mẫu, màu sơn, vật liệu, biết thêm nhiều điều về địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán…”.
Không ít thành viên của nhóm khoe từ khi tham gia môn nghệ thuật này, không chỉ được giải trí, tạm quên đi những nỗi bộn bề lo toan trong cuộc sống, họ còn học được cách quan sát, rèn luyện sự tập trung, kiên nhẫn, say mê, có thêm tư duy sáng tạo…
Vũ Đức Chiến hy vọng dự án ký họa đô thị của mình sẽ nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của đô thị, có ý thức tôn trọng, sống có trách nhiệm hơn.
Bình luận (0)