Ở tuổi 29, doanh nhân trẻ Nguyễn Bách Trường, đội 9, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã có 3 xưởng sản xuất tăm giang, đũa gỗ, thu nhập mỗi ngày 20 triệu đồng.
Những gói tăm giang nhỏ bé đã đổi đời một thanh niên nghèo - Ảnh: Thúy Hằng |
Trước mặt tôi, Nguyễn Bách Trường bày la liệt khoảng 20 loại tăm tre, xiên tre khác nhau. “Đây là tăm giang, kia là tăm tre, đây là tăm tiệc, kia là tăm cưới, cái này dùng để xiên thịt nướng”, Trường nói. Mỗi gói tăm bán ra thị trường, thấp nhất 500 đồng, cao nhất 1.500 đồng, những giá trị rất nhỏ bé này dần dần đã đưa một thanh niên tay trắng thành triệu phú.
Năm 2009, anh thanh niên chất phác lấy vợ ở tuổi 22, hai vợ chồng kế thừa nghề làm tăm giang từ mẹ và dụng cụ làm nghề (tổng giá trị khoảng 5 triệu đồng), ngoài ra là không một đồng vốn dắt lưng. Những gói tăm đầu tiên làm ra, anh phải chạy ngược chạy xuôi khắp Hà Nội nhưng cũng không thể tiêu thụ.
“Sau nhiều ngày trở về tay không, một ngày chúng tôi nhận được đơn hàng mua 200 gói tăm, cả hai vợ chồng mừng rơi nước mắt”, Trường nhớ lại.
Trường cố gắng để sản phẩm tăm giang của mình tốt nhất, sạch và an toàn nhất. Anh kiên nhẫn, bền bỉ, hướng vào chất lượng và mẫu mã bao bì để khách hàng không quên được mình.
Cây giang được nhờ mua từ Yên Bái, được tách lấy phần vỏ (cho độ dẻo hơn tăm từ cây tre, màu xanh đặc trưng), sau khi được vót, cắt, sấy trên bếp gas, tăm giang của Trường không được can thiệp bởi bất kỳ hóa chất nào khác.
Nguyễn Bách Trường nhận được nhiều giải thưởng về doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm chất lượng
|
“Tăm đã qua tẩy trắng bằng hóa chất sẽ có màu trắng lóa rất đáng nghi và một mùi chua nguy hiểm. Có những đối thủ cạnh tranh muốn “uy hiếp” chúng tôi bằng việc bán phá giá, cùng một gói tăm giá bằng một nửa chúng tôi nhưng có khi 10 que tăm chỉ sử dụng được 3. Đây cũng là vấn đề thách thức chúng tôi”, người sáng lập, Giám đốc của thương hiệu tăm giang Trường Thịnh giãi bày.
Từ một mái nhà cũ kỹ, dột nát những ngày mưa gió năm 2009, hai vợ chồng Trường đã cơi nới thành một xưởng sản xuất tăm tre khang trang rộng khoảng 500 mét vuông, thuê thêm nhân viên để làm kịp hàng cho khách. Anh chào hàng khắp các tỉnh miền Bắc (ưu tiên các tỉnh Tây Bắc), vào Đà Nẵng và đang muốn đưa tăm giang vào TP.HCM.
Từ tăm giang đến đũa trắc
Từ mặt hàng tăm giang, Trường tiếp tục dấn thân với đũa gỗ trắc, nguồn gỗ nhập từ Đồng Kỵ, Bắc Ninh. “Hàng đũa gỗ trắc, tôi hướng tới đối tượng khách hàng trung lưu, thượng lưu, giá một bộ đũa từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng”, Trường cho biết.
Không dừng lại với 2 mặt hàng tạo dựng tên tuổi cho Trường Thịnh, mới đây ông chủ trẻ lấy lợi nhuận tích lũy được để bán buôn, phân phối các loại hàng tạp hóa, giấy ăn, bỉm trẻ em khắp các tỉnh miền Bắc.
Vợ chồng Nguyễn Bách Trường (giữa) và các nhân viên của xưởng tăm giang - Ảnh: Cẩm Giang
|
Từ 500 mét vuông xưởng đầu tiên, đến nay, sau 7 năm kinh doanh, cơ ngơi của 2 vợ chồng Trường là 3 nhà xưởng, rộng khoảng 2.000 mét vuông. Nhân viên làm 8 tiếng tại xưởng gồm 14 người, ngoài ra, còn hơn 20 người nhận gia công, đóng gói sản phẩm tại nhà. Lượng tăm bán ra thị trường trung bình 36 tấn/năm. Ngày cao điểm, anh thu về 50 triệu đồng lợi nhuận. Trung bình, mỗi ngày 20 triệu đồng tiền lãi từ các mặt hàng với Trường không khó khăn.
Trường mới mua 2 xe ô tô, một loại xe tải 1,4 tấn, một xe bán tải để có thể giao hàng trong Hà Nội. Các đơn hàng ở ngoại tỉnh, anh nhờ chuyển qua xe khách. Tuy nhiên, ông chủ sinh năm 1987 đang muốn bao trọn quá trình từ sản xuất đến phân phối tăm giang, đũa gỗ từ Bắc vào Nam.
“Tôi mới có 1 tháng lái xe “xuyên Việt”, ngày đi đến các chợ ở Đà Nẵng, TP.HCM, tối ngủ trên xe để thăm dò thị hiếu của khách hàng. Tôi muốn xây dựng đại lý trung chuyển tại Đà Nẵng, để từ đó có thể đưa các đặc sản từ Bắc vào Nam để bán, và chuyển ngược những sản phẩm inox, gia dụng từ Nam ra ngoài này”, Trường nói về tương lai gần.
Vợ chồng doanh nhân trẻ Nguyễn Bách Trường rất giản dị ngoài đời thường - Ảnh: Thúy Hằng
|
Là con cả trong một gia đình nông nghiệp có 3 anh em, Nguyễn Bách Trường sớm chia tay ghế nhà trường để lo toan với đủ các nghề cấy lúa, phụ xây từ năm 15, 16 tuổi.
Năm 20 tuổi, Trường nhập ngũ, hành lý mang theo là vài bộ quần áo và hàng chục cuốn sách. “Tôi đọc những cuốn sách dạy về kinh doanh của những nhân vật nổi tiếng như nhà tỉ phú Bill Gates. Tôi chứng kiến sự nghèo khó của gia đình suốt cả tuổi thơ và tự nhủ mình sẽ phải đổi đời khi xuất ngũ”, Trường bộc bạch.
Tất cả các nhân viên làm việc cho Trường đều là thanh niên địa phương trong độ tuổi từ 18 - 27. “Thu nhập mỗi tháng của các bạn là 5 - 6 triệu đồng, nhưng tôi sẵn sàng dạy nghề, truyền cảm hứng kinh doanh cũng như khuyến khích với các bạn phải trở thành một người khác trong tương lai, không phải mãi dậm chân với mức thu nhập "an toàn" như vậy”, Trường chia sẻ.
Bình luận (0)