Kỳ công từng chiếc đầu lân
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, ông Nguyễn Sinh Anh - chủ cơ sở sản xuất đầu lân Quốc Khánh (phường Phú Thuận, TP.Huế) cho biết, xưởng sản xuất của ông đã bắt tay chuẩn bị trước những công đoạn đầu tiên từ sau tháng Giêng. Mỗi người một việc, có thợ đan khung sườn, có thợ làm lục lạc, cũng có thợ tỉ mẩn vẽ từng nét hoa văn trang trí lên đầu lân.
Đầu lân được bày bán tại Huế |
t.h |
Mất từ 5 - 6 ngày, một chiếc đầu lân trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ như làm khuôn, dán keo, gắn khung, phơi khô, dán lông và may đuôi lân mới hoàn chỉnh. Trung thu năm nay, cơ sở của ông cung ứng khoảng 3.000 đầu nhỏ, 500 đầu to. Mỗi chiếc đầu lân có giá thấp nhất từ 70 ngàn và tăng dần lên đến 1 - 2 triệu đồng tùy kích thước và độ kỳ công.
Như nhiều xưởng sản xuất lân khác ở cố đô, gia đình ông Nguyễn Hữu Diên (49 tuổi, phường Kim Long, TP.Huế) cũng làm đầu lân theo cách truyền thống là đúc từ khuôn xi măng rồi đắp giấy lên. Sau này, những người thợ mới làm khung sườn bằng cây lồ ô và tre rừng. Tre phải phơi khô, chẻ nhỏ, vót mịn cho đủ độ dẻo để uốn cong. Tuy mất công mất sức nhưng bù lại, đầu lân làm bằng khung có độ bền lâu hơn loại đắp bằng giấy thường dễ bị mối mọt.
“Tạo khuôn là bước quan trọng nhất bởi nó quyết định thần thái con lân. Giống như thân hình người mẫu là thứ giúp tôn vinh vẻ đẹp của bộ trang phục thì khung sườn có hồn mới tạo ra một đầu lân chất lượng”, ông Diên chia sẻ.
Anh Quốc Khánh không ngừng sáng tạo nhiều hoa văn mới cho đầu lân |
t.h |
Ngoài ra, bước dán giấy xi măng lên khuôn cũng đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Phải dán sao cho lớp giấy láng mịn. Chỉ một chỗ gồ ghề cũng ảnh hưởng đến bước dán vải và vẽ trang trí tiếp theo.
Hòa nhập nhưng không hòa tan
Thần thái của con lân được quyết định một phần ngay từ khâu làm khuôn. Kết hợp với cách phối màu và nét vẽ sắc sảo của người thợ tài hoa càng làm tôn lên vẻ dũng mãnh và uy vũ của nó. Lân Huế được làm hoàn toàn thủ công nên mỗi chú lân lại mang một nét riêng, tùy thuộc vào tâm trạng và sự sáng tạo của người thợ.
Ban đầu, lân Huế chỉ có hai màu đỏ và vàng tượng trưng cho may mắn, tài lộc và thịnh vượng. Tuy nhiên, thị trường lân ngày nay đã đa dạng hơn với nhiều sắc màu từ xanh lá, xanh dương, cam, hồng cho đến tím. Thậm chí, màu đen thường được coi điềm xui theo quan niệm dân gian cũng xuất hiện trên những chiếc đầu lân.
Mẫu lân màu đen (trái) được bày bán tại cơ sở sản xuất lân sư rồng Bảo Anh Đường |
t.h |
Anh Quốc Khánh - con trai của ông Sinh Anh tâm sự: “Cái áo mình mặc thay đổi mỗi năm thì đầu lân cũng thế. Năm nào tôi cũng tìm tòi để sáng tạo thêm nhiều mẫu mã hay cách vẽ hoa văn trang trí mới.” Không nằm ngoài quy luật vận động của tự nhiên, lân Huế đã và đang biến đổi theo thị hiếu khách hàng nếu không muốn dần rơi vào quên lãng.
Hòa nhập với xu thế thị trường nhưng lân Huế truyền thống vẫn luôn giữ nét đẹp rất riêng, không lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Dẫu trải qua bao nhiêu năm, đặc trưng của lân cố đô vẫn nằm ở đôi mắt toát lên vẻ dữ tợn và bộ râu thể hiện sự uy quyền. Lân Huế cầu kỳ trong cách trang trí. Nếu không vẽ những vết hoa văn mô phỏng ngọn lửa cháy bập bùng thì đầu lân cũng được đính kết nhiều kim sa lấp lánh.
Giữ “lửa” nghề làm lân
Hiện nay, nghề làm lân truyền thống của Huế đang dần bị mai một, riêng năm nay đã có 6 - 7 xưởng ngừng hoạt động. Theo nghề hơn 10 năm, bà Trương Thị Kim Chi (phường Phú Hòa, TP.Huế) chia sẻ, làm lân mà không có đủ đam mê thì không bao giờ làm được. Vì đây là nghề thời vụ, một năm chỉ được vài tháng. Đã vậy còn đòi hỏi người thợ phải rất kiên trì, tỉ mỉ chi tiết nhiều công đoạn.
Cơ sở của bà Kim Chi tập trung sản xuất đầu lân cỡ nhỏ thường dùng để trang trí trong mùa Trung thu |
t.h |
Ông Diên tâm sự: “Thời điểm 2 năm dịch hầu hết lân làm ra đều không bán được. Nhiều lúc nản lắm nhưng mà đã lỡ mê rồi thì cứ làm tiếp đến bao giờ hết sức lực rồi thôi”. Dẫu nghề làm lân không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng những người thợ vẫn luôn dành trọn vẹn trí óc và tâm huyết của mình vào từng lớp lông, từng nét vẽ.
Thương hiệu lân Huế ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cả nước. Không chỉ xuất đi Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Trị, Đắk Lắk mà lân Huế đã xuất khẩu ra nước ngoài, phục vụ bà con Việt kiều trong mỗi dịp lễ lớn. Ông Diên và nhiều người thợ làm lân khác đều mong nghề làm lân cũng được công nhận là nghề truyền thống của Huế, để thế hệ trẻ tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cố đô.
Bình luận (0)