Món bê thui Cầu Mống ngon và đúng điệu nhất thì chỉ có thể là ngay tại địa danh Cầu Mống, xã Điện Phương (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
>> Bỗng nhớ và thèm mấy cái 'nem chua chợ huyện'
>> Gỏi cá Nam Ô Đà Nẵng, hương vị của biển!
|
Lần nào có dịp đi ngang qua xã Điện Phương, tôi cũng cố ý cho xe chạy chậm để được “chiêm ngưỡng” những con bê nước da căng vàng đang nằm trên xiên, phía dưới có lò than hoa đang đỏ rực.
Quán bán bê thui dọc đường qua địa phương này san sát nhau, quán nào không trưng bê ra mặt tiền thì cũng treo vài bắp đùi lủng lẳng trong buồng kính kín bưng.
|
Và tất nhiên mỗi lần như thế, dù đi một mình hay đi với bạn bè, tôi cũng nán lại “đánh chén” vì không thể cưỡng lại được hương vị của lát bê thui ngọt ngon mà mình từng được thưởng thức.
Nhiều người địa phương cho biết, loại bê được đem đi thui thường có cân nặng dưới 40 kg là vừa ngon. Tuy nhiên, để kiếm được loại bê trọng lượng như thế là điều không dễ nên hiện nhiều của tiệm gần Cầu Mống thường đem thui con bê nặng trên dưới 50 kg.
Dù vậy, bí quyết thui chín cộng với những món ăn kèm vẫn khiến cho bê thui Cầu Mống ngày nay không kém so với khoảng 50 năm về trước.
Khi tới bất cửa tiệm nào ở Cầu Mống, chỉ cần gọi phần, thực khách sẽ nhận được một đĩa bê thui với nhiều lát xắt mỏng vừa chín tái. Lát thịt không quá nhiệt để bị săn lại, cũng không thiếu nhiệt để phải lo ngại thịt vẫn hồng đào, chưa chín hẳn.
Thịt bê thui ngon là loại có da mỏng, thớ thịt sát da phải mềm, hơi hồng để chắc chắn rằng vẫn còn vị ngọt và dai trong đó. Đi kèm đĩa thịt thường có thêm 2 phần quả chanh được bổ làm đôi, đặt ở hai góc.
Trước khi ăn, tùy theo khẩu vị của từng người mà có thể vắt ít hoặc nhiều chanh thêm vào đĩa thịt. Trông như bò tái chanh nhưng không phải, thêm chanh là để thêm một chút gia vị cho phần ăn.
Cả thảy có 7 món ăn kèm với bê thui, gồm: rau sống, bánh tráng nướng, bánh tráng mỏng dùng để cuốn, nước chấm, đu đủ chua ngọt, dưa leo cộng với chuối chát và cuối cùng là ớt xanh với tỏi sống.
Ăn bê thui, mỗi người ăn mỗi kiểu. Có người vì quá nôn nóng liền dùng đũa gắp một miếng chấm vào nước mắm để ăn. Nhưng ngon nhất thì phải dùng bánh tráng mỏng gói ít rau sống, tiếp đó bỏ miếng thịt bê mỏng lên, chêm thêm miếng dưa leo, lát chuối xanh rồi cuốn bánh tráng lại.
Tôi thích ăn bê thui theo cách riêng của mình. Khi cuốn xong bánh, tôi thường vắt ít chanh vào mắm cái có rắc sẵn hạt mè để chấm. Cắn miếng đầu tiên sẽ thấy thịt bê dai sần sật, vị thanh của rau quyện vào từng miếng bê ngọt ngon đến lạ.
Khi nhai đến lưng chừng, tôi thường gắp thêm lát đu đủ chua ngọt rồi cắn trái ớt xanh hoặc miếng tỏi tươi trước khi hết một cuốn. Vị cay, vị mặn của mắm, vị ngọt của thịt bê thui Cầu Mống, cứ nghĩ đến lại thấy thòm thèm chi lạ.
Chính nhờ hương vị này, năm 2013, tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận bê thui Cầu Mống thuộc top 50 món ăn đặc sản nối tiếng của Việt Nam.
|
Hoàng Sơn (thực hiện)
Bình luận (0)