Lưu ý khi xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực

19/01/2022 07:15 GMT+7

Năm nay, xét tuyển bằng điểm bài thi đánh giá năng lực là một phương thức tuyển sinh được nhiều trường ĐH và CĐ sử dụng. Thí sinh cần lưu ý điểm khác biệt của từng trường để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Những lời khuyên hữu ích này được chuyên gia các trường ĐH chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến chiều qua (18.1) với chủ đề “Thi đánh giá năng lực năm 2022 ra sao?”. Chương trình diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube TikTok Báo Thanh Niên.

Các chuyên gia tham gia chương trình cho thí sinh những lời khuyên khi xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực

ĐÀO NGỌC THẠCH

Điểm xét tuyển khác điểm trúng tuyển

Đặt câu hỏi tại chương trình, Đỗ Thị Thanh Thảo, học sinh Trường THPT Ernst Thalmann (TP.HCM), băn khoăn:

“Năm 2022, em dùng điểm thi đánh giá năng lực để xét tuyển, vậy bao nhiêu điểm thì an toàn? Tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức này bao nhiêu?”. Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết năm 2022, trường tuyển sinh hơn 8.000 chỉ tiêu, trong đó dành 10% chỉ tiêu mỗi ngành xét điểm bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Ngoài ra, trường còn sử dụng các phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT. Sau Tết Nguyên đán, trường nhận hồ sơ xét tuyển với khoảng 10 đợt qua bưu điện, trực tiếp tại trường và kênh trực tuyến của trường.

Nói về phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, theo tiến sĩ Trần Thiện Lưu, thí sinh (TS) cần phân biệt điểm sàn và điểm trúng tuyển. Trong đó, điểm sàn là điểm nhận hồ sơ xét tuyển, trường đưa ra mức 550 điểm (kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM) và 70 điểm (kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội).

“Nhưng đây là điểm đủ điều kiện trường nhận hồ sơ để bắt đầu xét tuyển. Còn điểm trúng tuyển sẽ dựa trên nhiều yếu tố, kết quả sau cùng của mỗi đợt xét tuyển dựa trên số lượng hồ sơ và điểm thi. Điểm trúng tuyển mỗi đợt xét có thể khác nhau, nhưng trên nguyên tắc chung là đợt sau bằng hoặc cao hơn đợt trước đó”, tiến sĩ Trần Thiện Lưu phân tích.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, cho rằng theo kinh nghiệm, điểm trúng tuyển năm sau thường cao hơn năm trước. Chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM điểm trúng tuyển năm trước dao động từ 650 - 800 điểm. Tương ứng với 2 đợt xét tuyển phương thức này, điểm chuẩn đợt sau thường cao hơn đợt trước đó. Tuy nhiên, TS lưu ý kỳ thi đánh giá năng lực, có trường chỉ áp dụng cho một số ngành. Khi nộp hồ sơ, TS cần lưu ý tỷ lệ chỉ tiêu từng ngành, điểm trúng tuyển của năm trước đó và đặc biệt lưu ý tham khảo mức điểm trúng tuyển các trường trong vài năm gần đây.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cũng cho biết hiện các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, trong đó năm nay có xu hướng mở rộng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Chẳng hạn, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức

năm 2021, riêng đợt 1 đã thu hút gần 70.000 TS dự thi. Số lượng các trường ĐH và CĐ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển năm ngoái gần 70 trường, năm nay dự kiến tăng khoảng 80 trường. Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM cũng xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM. Mức điểm xét tuyển và thời gian nhận hồ sơ được công bố sau khi kết quả thi được công bố.

Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cũng ý kiến: “Không nên nghĩ rằng kỳ thi đánh giá năng lực chỉ dành cho học sinh khá giỏi. Kỳ thi này có ưu điểm lớn là không kiểm tra kiến thức dạng nhớ bài mà cung cấp sẵn dữ liệu trong đề thi. TS không nhất thiết phải thuộc cả khổ thơ, cả bài học lịch sử mà quan trọng là tư duy làm bài. Từ đề minh họa và cấu trúc đề thi được công bố, TS cần nắm bắt, tập luyện và làm quen ngay từ bây giờ”.

Xét tuyển riêng có lợi thế gì ?

Đặt câu hỏi cho chương trình, Phan Thị Ngọc Tuyền, học sinh Trường THPT Ernst Thalmann, băn khoăn về những lợi thế của các phương thức tuyển sinh riêng. Tiến sĩ Trần Thiện Lưu giải đáp: “Trước hết, TS tham gia các phương thức tuyển sinh riêng có lợi thế chủ động thời gian. Bên cạnh đó, khi có nhiều phương thức xét tuyển cũng đồng nghĩa với việc TS có thêm nhiều lựa chọn khi xét tuyển. Đáng nói, khi có nhiều phương thức xét riêng, áp lực để đạt kết quả cao ở một kỳ thi chung cũng giảm nhẹ, tâm lý học sinh sẽ thoải mái hơn”.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cũng cho rằng trong những năm gần đây ranh giới giữa các phương thức xét tuyển không còn nhiều. Kỳ thi đánh giá năng lực kiểm tra kiến thức tiệm cận hơn với những năng lực học ĐH của TS. “Phương thức xét tuyển riêng sẽ giúp giảm áp lực thi cử, đặc biệt TS biết trước được thời gian trúng tuyển và nhập học sớm hơn phương thức kỳ thi chung. Nhưng dù chọn phương thức nào thì quan trọng nhất vẫn là chọn lựa ngành nghề phù hợp”, ông Nguyên bổ sung.

Lưu ý khi xét tuyển ngành học mới

Chia sẻ thêm về ngành học mới, tiến sĩ Trần Thiện Lưu cho biết năm nay trường mở 2 ngành mới là giáo dục mầm non và quản lý bệnh viện. Riêng ngành giáo dục mầm non có những quy định chung của Bộ GD-ĐT về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022, TS cần tham dự kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức.

Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho hay năm nay trường có 6 ngành mới gồm: quản trị văn phòng, kinh tế quốc tế, công nghệ tài chính, kiểm toán, truyền thông đa phương tiện và quản trị sự kiện. Trong số các ngành mới mở, có ngành hoàn toàn mới, có ngành được tách ra từ chuyên ngành trước đó. Điểm đặc biệt của sinh viên khi theo học các ngành mới là có những lợi thế hơn do nhận được nhiều hỗ trợ trong quá trình học tập, việc làm sau khi ra trường.

Còn thạc sĩ Trần Mạnh Thái cho biết Trường ĐH Văn Hiến năm nay cũng có 6 ngành mới, trong đó có 4 ngành nâng cấp từ chuyên ngành và 2 ngành mới hoàn toàn là giáo dục mầm non và dược. “Ngành học mới được mở dựa trên nghiên cứu và đánh giá nhu cầu xã hội. Từ những ngành mới này, TS cần đối sánh với năng lực cá nhân, điều kiện gia đình để có lựa chọn phù hợp”, thạc sĩ Trần Mạnh Thái khuyên.

Phương thức tuyển sinh riêng khối ngành kinh tế có gì đặc biệt ?

Thông tin thêm về phương thức xét tuyển riêng vào khối ngành kinh tế, tiến sĩ Trần Thiện Lưu cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có đào tạo nhiều ngành thuộc khối kinh tế, phương thức tuyển sinh áp dụng theo quy định chung của trường. Trong đó, mỗi ngành dành khoảng 40 - 50% xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 10% điểm thi năng lực, còn lại xét học bạ và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. Tuy nhiên, mỗi hình thức xét tuyển có điểm xét tuyển, điểm trúng tuyển, thời gian và cách thức nhận hồ sơ khác nhau.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên nhận định nhóm ngành kinh tế luôn có số lượng TS đăng ký nhiều. Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM đào tạo 11 ngành, nhưng TS lưu ý dù cùng nhóm ngành kinh tế, nhưng tổ hợp môn xét tuyển không giống nhau giữa các ngành tùy thuộc vào đặc thù đào tạo của ngành học đó. Do vậy, TS cần lưu ý điểm này để lựa chọn tổ hợp môn mình có thế mạnh nhiều hơn.

Còn Trường ĐH Văn Hiến hiện có các ngành kinh tế như quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị - dịch vụ - du lịch lữ hành, quản trị nhà hàng ăn uống…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.