Lưu ý khi xét tuyển vào ĐH bằng học bạ

28/04/2017 09:30 GMT+7

Ngày 27.4, trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Trúng tuyển ĐH thông qua xét tuyển học bạ”, các chuyên gia đã lưu ý những điểm đặc biệt để trúng tuyển theo phương thức này.

Cách tính điểm, thời gian xét tuyển khác nhau
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết đa số các trường xét tuyển bằng điểm 2 học kỳ năm lớp 12. Tuy nhiên, vẫn có trường xét điểm của 5 học kỳ. Vì vậy, thí sinh (TS) cần lưu ý điều này khi làm hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ.
Thời gian xét tuyển cũng khác nhau tại các trường. Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết trường đã nhận hồ sơ và hiện tại trường đã có 600 TS xét tuyển theo phương thức học bạ. Cũng như vậy, Trường ĐH Hoa Sen đã nhận hồ sơ đợt 1 từ ngày 1.4. Các trường còn lại đa phần nhận hồ sơ học bạ đợt 1 từ đầu tháng 5. Theo các chuyên gia, việc thiết kế thời gian như vậy để thuận lợi cho TS. Hiện nay, TS có thuận lợi là đã biết điểm trung bình trong học bạ của mình, có thể chọn tổ hợp nào có điểm cao nhất dùng để xét tuyển.

Ngoài ra, các chuyên gia còn lưu ý TS cần nắm về các ngành có xét tuyển học bạ. Nhiều trường có một số ngành chỉ xét điểm từ kỳ thi THPT quốc gia. Chẳng hạn, Trường ĐH Duy Tân không xét học bạ đối với ngành bác sĩ đa khoa và dược. Thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết ngành y học dự phòng tại trường chỉ xét điểm thi THPT quốc gia, theo tổ hợp toán - hóa - sinh với 100 chỉ tiêu.
Không chỉ có 2 phương thức xét tuyển, thạc sĩ Ngô Thị Mỹ Lan, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hoa Sen, cho biết trường còn xét tuyển phương thức thứ 3. Chẳng hạn TS cần đạt điểm trung bình 3 năm tốt nghiệp THPT từ 6 trở lên và thỏa mãn một trong các yêu cầu tùy vào các nhóm ngành như: có chứng chỉ IELTS, có chứng chỉ, văn bằng đã cấp của Bộ Khoa học - Công nghệ, Cisco, Microsoft, đoạt giải năng khiếu, hội họa...
Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cũng lưu ý thêm việc xét tuyển vào các trường CĐ trong năm nay là TS chỉ cần tốt nghiệp THPT. Với phương thức học bạ, TS có điểm trung bình đạt 5,0 trở lên là đủ điều kiện xét tuyển.

Xét học bạ vẫn rớt !
Rất nhiều TS cho rằng xét học bạ trúng tuyển rất dễ dàng, tuy nhiên trên thực tế có nhiều TS vẫn bị rớt ĐH bằng phương thức này. Theo thạc sĩ Hồ Thanh Tình, nếu xét tuyển bằng học bạ thì TS nên đăng ký sớm, vì số lượng chỉ tiêu có hạn. Nếu đủ số lượng TS đạt tiêu chí trúng tuyển rồi thì TS nộp sau sẽ không còn cơ hội. Ông Đinh Công Viễn Phương, Phó trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, cũng cho biết TS nộp sớm bao giờ cũng lợi thế hơn nộp sau vì thường điểm chuẩn đợt đầu có thể thấp hơn đợt sau.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng xác nhận điểm trúng tuyển theo phương thức học bạ các đợt sau tại trường thường cao hơn từ 1 - 3 điểm so với đợt trước. Vì vậy, nếu yêu thích TS nên đăng ký xét học bạ vào các trường ngay đợt sớm nhất có thể.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng để tăng thêm cơ hội trúng tuyển ĐH bằng điểm học bạ, TS nên tận dụng cơ hội nộp sớm để “giữ chỗ”. Trước hết chọn ngành mình yêu thích, sau đó xem xét điều kiện xét tuyển phù hợp ở các trường để quyết định nộp hồ sơ.
Bạn đọc xem thông tin chi tiết về phương thức xét tuyển bằng học bạ tại thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.