Xu hướng tuyển sinh năm 2023 tiếp tục chứng kiến các trường ĐH áp dụng phương thức xét tuyển thẳng dựa trên học bạ, thành tích học tập bậc THPT và kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, nhất là IELTS. Theo đó, thí sinh cần đạt khoảng 5.0-5.5 IELTS để đăng ký vào các Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Yersin Đà Lạt, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM...
Nếu muốn tăng tính cạnh tranh và đảm bảo cơ hội trúng tuyển, thí sinh cần nhắm đến mục tiêu IELTS 7.0-7.5. Đây là mức được một số trường quy định như Học viện Ngoại giao, Học viện Cảnh sát nhân dân, hay quy đổi thành 10 điểm như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Thương Mại, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM...
Không dừng lại ở đó, một số đơn vị còn căn cứ vào điểm IELTS để cấp học bổng, quy đổi sang 100% học phí như Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ miền Đông.
Thời gian luyện thi để đạt IELTS 5.5 và 7.5
Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Võ Huỳnh Sang, Phó giám đốc điều hành Hệ thống Anh ngữ IELTS Cherubim (TP.HCM), cho rằng còn tùy thuộc vào các yếu tố như độ tuổi, năng khiếu và sự khác biệt giữa ngôn ngữ mẹ đẻ so với ngôn ngữ Anh.
"Nhìn chung, theo nghiên cứu, nếu muốn chuyển từ một cấp độ sang mức liền kề trong Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu, thời gian cần học có hướng dẫn là khoảng 200 giờ và sẽ kéo dài hơn ở những bậc cao", anh Sang lưu ý.
Chẳng hạn, ở xuất phát điểm là mới tiếp xúc tiếng Anh, để đạt trình độ B2 (5.5-6.0 IELTS), người học cần dành 500-600 giờ. Trong khi đó, ở mức C1 (7.0-8.0 IELTS), con số này dao động từ 700-800 giờ. "Với những cấp độ cao như C1, C2, thời gian giảng dạy không đóng vai trò quan trọng mà tự học là chủ yếu", nam giáo viên từng đạt 8.5 IELTS cho hay.
Vì lẽ đó, thạc sĩ Sang kết luận rằng nếu đang ở 4.0 IELTS, bạn có thể đạt mức 5.5 chỉ sau 2-3 tháng ôn luyện. Nhưng nếu đang ở thang điểm 5.5 IELTS mà muốn đạt 7.5 trong cùng khoảng thời gian thì "điều đó là không thể dù có học ngày học đêm". "Với kỹ năng đọc, bạn có thể nâng điểm từ 5.5 lên 7.5. Nhưng ở kỹ năng nghe, bạn cần phải thẩm thấu trong thời gian dài mới có thể phát triển đến mức 7.5", anh Sang lý giải.
Thạc sĩ Sang nói thêm: "Tiếng Anh có phổ ngữ lớn nhất thế giới nên lượng từ vựng, ngữ pháp rất đa dạng. Ở những thang điểm thấp, người học chỉ cần kiến thức cơ bản để giao tiếp nên thời gian thông thạo không dài. Nhưng càng lên cao, người học phải ôn sâu ngôn ngữ và hiểu toàn diện về nó nên mất rất nhiều thời gian, không phải là câu chuyện ôn sớm chiều là đạt được như một số trung tâm tiếng Anh quảng bá".
Hiện giảng dạy cho phần lớn học viên đều ở lứa tuổi THPT, anh Sang cho hay khó khăn lớn nhất của các bạn là phải dàn trải quỹ thời gian hạn hẹp cho nhiều môn học, chưa kể 4 "môn" nói, nghe, đọc, viết của kỳ thi IELTS. Bên cạnh đó, vì trải nghiệm xã hội chưa phong phú nên học sinh cũng gặp khó khi thể hiện quan điểm trong bài luận. Những tấm gương đạt thành tích IELTS cao ở độ tuổi phổ thông cũng khiến các bạn gặp áp lực đồng trang lứa, anh Sang nhìn nhận.
Một vấn đề khác được anh Sang nêu ra là bạn trẻ còn học IELTS theo kiểu nhồi nhét kiến thức, "như học tiếng Anh trên trường phổ thông". "Điều này rất nguy hiểm và ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển năng lực", nam giáo viên khuyến cáo. Theo thạc sĩ Sang, để tối ưu hóa thành tích thi cử, học sinh cần phải thay đổi phương pháp học sang lối tư duy chủ động, tìm ra và thấu hiểu mấu chốt của vấn đề.
"Vì tiếng Anh là một loại năng lực nên mỗi tuần, bạn hãy dành tối thiểu 10 giờ học ngôn ngữ này để duy trì và phát triển năng lực đó. Đặc biệt, trước khi thi IELTS, học sinh nên tránh xa những chiêu trò dự đoán hoặc mua bán đề 'thật' trên mạng xã hội. Các đơn vị tổ chức đã khẳng định rất rõ không thể 'lọt' đề nên đừng mất thời gian học thuộc đáp án, để rồi tiền mất tật mạng", thạc sĩ Sang lưu ý.
Thí sinh lớp 12 điểm cao khuyên gì?
Lần lượt đạt 8.0 và 7.5 IELTS sau 1 tháng ôn luyện, Đinh Gia Huy và Phạm Xuân Thông, cùng học lớp 12TH Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), đều cho rằng thành tích tốt trong kỳ thi đến từ quá trình dài nhiều năm bồi dưỡng năng lực tiếng Anh thông qua giảng dạy và tự học. Việc luyện thi chỉ là một bước đệm giúp các em nắm vững cấu trúc của đề, từ đó có phương pháp làm bài hiệu quả.
"Mỗi tuần, em đặt mục tiêu tự làm tối thiểu 3 đề nghe và đọc. Với nói và viết, em học tại trung tâm để được giáo viên chấm điểm, hướng dẫn cách cải thiện. Đến giai đoạn nước rút, em tập trung giải 2 đề hoàn chỉnh mỗi ngày, nhưng 'xõa' một ngày trước khi thi để giảm áp lực", Huy chia sẻ, đồng thời cho biết thêm một mẹo để em nói năng tự nhiên là xem video tiếng Anh trên YouTube, qua đó nắm bắt cách người bản ngữ giao tiếp
Thông thì cho hay trong 1 tháng luyện thi, mỗi tuần em học thêm 2 buổi để luyện 4 kỹ năng và làm quen với dạng đề; còn mỗi tối, em sắp xếp 2-3 giờ để tự làm 1 đề đọc và viết. "Theo em, phương pháp luyện đề tốt nhất là phân bổ thời gian làm bài tương tự như lúc thi. Ngoài ra, phải xác định thi giấy hay thi máy từ sớm để lên kế hoạch ôn luyện đúng đắn, vì các hình thức thi sẽ sự khác biệt", Thông khuyên.
Về chiến lược phòng thi, 2 nam sinh nhất trí cần hoàn thành từ câu dễ đến khó, đồng thời làm bài tuần tự từ phần đầu đến cuối vì cấu trúc cũng được phân hóa theo độ khó. "Tận dụng thời gian làm những câu dễ nhanh nhất có thể, thời gian còn lại dành cho câu khó", Thông gợi ý.
Song song đó, Huy cho rằng hãy nhớ trước câu hỏi để tìm đáp án trong khi đọc bài, tránh mất thời gian phải đọc lại từ đầu. "Ở phần viết, em làm phần 2 trước, sau đó dành 20 phút cuối quay lại phần 1. Phần nói thì cần đặc biệt bình tĩnh để không vấp và giao tiếp tự nhiên, 2 tiêu chí quan trọng để chấm điểm", Huy lưu ý.
Bình luận (0)