Lý do Apple cấm tải ứng dụng ngoài App Store

27/06/2021 17:38 GMT+7

Apple tiếp tục khẳng định lập trường 'không mở cửa' App Store cho các nhà phát triển, cũng như không khuyến khích khách hàng tải ứng dụng từ bên ngoài (sideload).

Theo Android AuthorityApple đang bị giám sát chặt chẽ vì các hoạt động liên quan đến App Store. Mới đây, "nhà táo" đăng tài liệu với tên gọi "Xây dựng hệ sinh thái đáng tin cậy cho hàng triệu ứng dụng", trong đó nêu rõ lý do tại sao người dùng không nên tải ứng dụng bên ngoài App Store.
Nhà sản xuất iPhone trích dẫn báo cáo năm 2020 của Nokia, chỉ ra các thiết bị Android dễ nhiễm mã độc hơn iPhone 15 lần, vì Android cho phép tải ứng dụng từ mọi nguồn, còn người dùng iPhone được đảm bảo an toàn nhờ App Store.
Tuần trước, CEO Tim Cook cũng có so sánh tương tự, nhưng mức độ chênh lệch giữa Android và iOS lên đến 47 lần. Ban đầu, Tim Cook cố tình dẫn số liệu đã lỗi thời từ báo cáo năm 2019 của Nokia nhằm củng cố lập luận của mình, nhưng có vẻ lần này Apple đã cẩn thận cập nhật số liệu mới. 
Apple tái khẳng định quan điểm: "Việc cho phép tải ngoài sẽ làm suy giảm tính bảo mật của nền tảng iOS, khiến người dùng gặp rủi ro bảo mật nghiêm trọng". Ngay cả khi người dùng chỉ tải từ App Store thì cũng có khả năng bị lừa tải ngoài những ứng dụng độc hại khác.
Nếu "nhà táo" cho phép tải ngoài, nhiều kẻ xấu sẽ tìm cách tấn công vào iOS để lấy thông tin từ trên iPhone. Công ty cũng đưa ra ví dụ về tác hại của ứng dụng tải ngoài, chẳng hạn các ứng dụng chỉnh sửa ảnh có thể giữ ảnh của người dùng để tống tiền, hoặc ứng dụng theo dõi giấc ngủ có thể âm thầm bán dữ liệu của bạn. Ngoài ra, việc tải ngoài sẽ khiến phụ huynh khó có thể giám sát hoạt động của con mình trên thiết bị.
Tuy nền tảng MacOS cho phép khách hàng tải ứng dụng nhưng Apple cần thắt chặt iOS hơn vì số người dùng iOS nhiều hơn, cũng như hành vi, kỳ vọng của họ khác nhau.
Nhà sản xuất iPhone nêu một số biện pháp họ làm để bảo vệ người dùng khỏi các ứng dụng độc hại trong App Store, chẳng hạn sử dụng "hộp cát", xem xét 100.000 ứng dụng mỗi tuần hay tự động quét các ứng dụng đã gửi để tìm mã độc...
Theo tờ Washington Post, có gần 2% ứng dụng lừa đảo trong số 1.000 ứng dụng có doanh thu hàng đầu. Báo cáo của Nokia năm 2020 của ghi nhận sự gia tăng phần mềm độc hại trên iOS, dù thiết bị iOS chứa mã độc chỉ chiếm 1,7% (con số này năm 2019 là 1%) trong tổng số các thiết bị nhiễm mã độc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.