Lý do khiến quan chức Mỹ bỏ lại thiết bị điện tử khi rời Trung Quốc

13/07/2018 09:24 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã bỏ lại điện thoại, máy tính có sử dụng Wi-Fi ở Trung Quốc và yêu cầu đoàn tháp tùng thực hiện tương tự.

Theo The Washington Times, sau chuyến thăm Trung Quốc vừa diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã yêu cầu các phóng viên trong đoàn tháp tùng bỏ lại toàn bộ thiết bị điện tử được cài đặt Wi-Fi và sử dụng ở Trung Quốc, không được phép mang lên máy bay.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại công nghệ gián điệp điện tử có thể tấn công qua mạng Wi-Fi và thông qua các máy móc nói trên (nếu không bị bỏ lại) có thể xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát từ xa chiếc chuyên cơ chỉ huy trên không E-4B của Không quân Mỹ do Bộ trưởng sử dụng. Đây là máy bay chỉ huy trung tâm hạt nhân quân sự hoá, một trong những thiết bị nhạy cảm của quân đội Mỹ.
The Washington Times cho biết thêm, việc có quyền truy cập thiết bị điện tử hoặc viễn thông trên máy bay chỉ huy sẽ cho phép tin tặc chặn hoặc gây nhiễu lệnh hạt nhân, thậm chí do thám các phương pháp ra lệnh, kiểm soát hạt nhân của Mỹ.
Với sự phát triển công nghệ của những cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc, việc “hack” một chiếc máy bay qua hệ thống mạng Wi-Fi không phải là chuyện chỉ có trong phim viễn tưởng. Thực tế, giới nghiên cứu đã phát hiện khả năng lây nhiễm của virus qua Wi-Fi lên máy tính, thiết bị điện tử từ cách đây nhiều năm.
Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu bảo mật tại Đại học Liverpool (Anh) đã mô phỏng thành công quá trình phát tán của virus máy tính qua mạng Wi-Fi và xem hình thức này “giống như chuyện lây cảm cúm giữa người với người”.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một PoC (Proof of Concept - thử phương án để chứng minh tính khả thi) cho thấy khả năng lây nhiễm toàn bộ mạng không dây cùng lúc, thay vì chỉ một máy tính đơn lẻ. Virus đó có khả năng tự sản sinh và lây nhiễm từ điểm phát này qua điểm phát khác trong cùng mạng Wi-Fi.
Các chuyên gia cho biết việc kết nối máy tính hay thiết bị vào mạng internet qua kết nối Wi-Fi không có gì khác biệt so với việc kết nối bằng cáp truyền dẫn. Một khi đã được kết nối thiết bị mới có thể “nhìn thấy” và tương tác với các máy tính cùng mạng, trên máy chủ… tùy thuộc chính sách chia sẻ được cài đặt trước.
Một trong số 4 chiếc E-4B của Không lực Mỹ Ảnh: USAF
Khi đó, một máy nhiễm có thể phát tán cuộc tấn công tới toàn hệ thống. Nghiêm trọng hơn, nếu virus xâm nhập được vào máy có mọi quyền kiểm soát tối cao trong hệ thống, việc lây lan sẽ diễn ra nhanh chóng và khó ngăn chặn hơn.
Trong trường hợp Bộ trưởng Jim Mattis, nếu ông và các phóng viên tháp tùng mang thiết bị có kết nối và sử dụng Wi-Fi tại Trung Quốc lên máy bay, không loại trừ khả năng một hoặc nhiều máy đã nhiễm malware/virus.
Khi kết nối với mạng riêng trên máy bay E-4B của Bộ trưởng, virus sẽ phát tán và có thể chèn các đoạn mã cho phép can thiệp hoặc do thám mọi hoạt động trên chuyên cơ, cũng như trao quyền điều khiển toàn bộ cỗ máy này vào tay tin tặc. Ngoài ra, virus cũng có thể chèn mã tự động tải về các malware để phục vụ quá trình tấn công từ xa.
Một nguồn tin cho hay, trước đó, quan chức Úc khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc cũng đã bỏ lại điện thoại và máy tính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.