Lý do không ngờ có thể khiến bạn buồn chán, trầm cảm

Liên Châu
Liên Châu
31/03/2023 09:15 GMT+7

Ai cũng có cảm giác buồn chán tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Mùa, điều kiện thời tiết đôi khi là yếu tố liên quan thay đổi tâm trạng, thậm chí gây trầm cảm.

Thay đổi theo... thời tiết

Theo ThS - BS Nguyễn Kim Anh (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), không ít người có những thay đổi tâm trạng, buồn chán khi các mùa thay đổi, theo điều kiện thời tiết nơi sinh sống. Nhiều người có thể bắt đầu cảm thấy chán nản khi ngày ngắn lại vào mùa thu, mùa đông và bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn vào mùa xuân, với thời gian ban ngày dài hơn.

 Lý do không ngờ có thể khiến bạn buồn chán, trầm cảm  - Ảnh 1.

Một số mùa trong năm, những thay đổi thời tiết có thể ảnh hưởng tâm trạng, cảm xúc

BỆNH VIỆN BẠCH MAI

BS Kim Anh chia sẻ, trong một số trường hợp, những thay đổi về cảm xúc có thể là cảm giác buồn chán nghiêm trọng hơn và có thể ảnh hưởng đến cảm nhận, suy nghĩ và xử lý các hoạt động hàng ngày.

Nếu nhận thấy những thay đổi đáng kể trong tâm trạng và hành vi của mình mỗi khi chuyển mùa, bạn có thể mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD - Seasonal Affective Disorder), một rối loạn cảm xúc khá thường gặp.

Ánh sáng mặt trời và cân bằng đồng hồ sinh học

Theo BS Kim Anh, các nghiên cứu đã cho biết, những người bị SAD có thể do bị giảm hoạt động của serotonin (chất dẫn truyền thần kinh) trong não giúp điều chỉnh tâm trạng. 

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng ánh sáng mặt trời liên quan đến sự duy trì mức serotonin bình thường. Ở những người bị SAD, quy định này không hoạt động bình thường, dẫn đến serotonin giảm trong mùa đông.

Những phát hiện khác cho thấy, những người bị SAD sản xuất quá nhiều melatonin - một loại hormone đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì chu kỳ đánh thức giấc ngủ bình thường. Sản xuất quá nhiều melatonin có thể làm tăng cảm giác buồn ngủ.

Cả serotonin và melatonin đều giúp duy trì nhịp điệu hàng ngày của cơ thể gắn liền với chu kỳ ngày, đêm theo mùa. Ở những người bị SAD, sự thay đổi nồng độ serotonin và melatonin làm gián đoạn nhịp điệu bình thường hàng ngày. Sự rối loạn giữa hai hoạt chất này làm mất cân bằng đồng hồ sinh học, tâm trạng không cân bằng nên dễ có cảm giác buồn chán, trầm cảm.

Thiếu hụt vitamin D

Sự thiếu hụt vitamin D có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề nêu trên, vì vitamin D được cho là thúc đẩy hoạt động serotonin.

Vitamin D tiêu thụ trong chế độ ăn uống, nhưng cơ thể cũng sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trên da. Với ít ánh sáng ban ngày hơn vào mùa đông, những người bị SAD có thể có mức vitamin D thấp hơn, điều này có thể cản trở hoạt động của serotonin hơn nữa.

Những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực về mùa đông cũng như những hạn chế và căng thẳng liên quan đến nó là phổ biến ở những người mắc SAD, cũng như những người khác. 

Vì nhiều người bị SAD thường bị thiếu vitamin D nên việc bổ sung vitamin D theo chế độ dinh dưỡng có thể giúp cải thiện các triệu chứng của họ. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn tiếp tục đánh giá về hiệu quả của vitamin D trong điều trị SAD. 

Theo chuyên gia về sức khỏe tâm thần, các triệu chứng trầm cảm nặng có thể bao gồm: cảm thấy buồn chán, chán nản hầu như cả ngày, gần như mỗi ngày; mất hứng thú với các hoạt động mà bạn từng yêu thích; những thay đổi về khẩu vị hoặc cân nặng; có vấn đề với giấc ngủ; cảm thấy chậm chạp hoặc tăng hoạt động hơn bình thường; giảm năng lượng; cảm thấy vô vọng hoặc vô giá trị; gặp khó khăn trong việc tập trung; thường xuyên có suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.