Tất tần tật những gì bạn cần biết về ‘hội chứng buồn chán dịp lễ tết’

Tạ Ban
Tạ Ban
29/01/2020 13:29 GMT+7

Dịp lễ, tết đến xuân về, thường được xem là thời gian hạnh phúc và vui mừng, nhưng đối với một số người, đó có thể là khoảng thời gian suy tư đau đớn, buồn bã, cô đơn, lo âu và trầm cảm.

Hội chứng buồn chán dịp lễ tết (holiday blues) không phải là một rối loạn được công nhận trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần DSM-5, nhưng nó là vấn đề sức khỏe tâm thần ngắn hạn không nên bỏ qua.
Khảo sát của Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần (NAMI) cho biết, lễ tết khiến tình trạng của 64% những người đang mắc bệnh tâm thần trở nên tồi tệ hơn, theo VWM.

Triệu chứng hội chứng buồn dịp lễ tết

Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác buồn bã kéo dài hoặc tái diễn bắt đầu trong mùa lễ. Cảm giác này có thể khác nhau về cường độ và thời gian. Một số người thấy chán nản thời gian ngắn rồi lại lạc quan hơn. Những người khác thì trầm cảm từ trung bình đến nặng kéo dài suốt mùa, theo VWM.
Một số dấu hiệu của hội chứng buồn dịp lễ tết có thể bao gồm:
- Cảm giác kiệt sức và mệt mỏi
- Ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn nhiều so với bình thường
- Mất hứng thú với các hoạt động thường thích
- Thiếu niềm vui trong các hoạt động bình thường
- Khó đưa ra quyết định
- Khó tập trung
- Tách khỏi bạn bè và gia đình
- Cảm giác cô đơn
- Cảm thấy cáu kỉnh hoặc tức giận
Đôi khi họ chuyển sang cơ chế đối phó không lành mạnh như rượu bia quá mức, ăn quá nhiều và ngủ kém khiến triệu chứng rõ rệt hơn.
Có sự khác biệt giữa buồn chán dịp lễ tết (triệu chứng thường biến mất sau khi lễ tết kết thúc) và tình trạng nghiêm trọng hơn như rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) hoặc rối loạn trầm cảm chính. Nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để xác định, theo VWM.

Nguyên nhân hội chứng buồn dịp lễ tết có thể bao gồm:

- Stress: bận rộn và căng thẳng dịp lễ tết khiến việc vui vẻ cũng khó.
- Khó khăn về tài chính: áp lực lo lễ tết, quà cáp tạo thêm gánh nặng.
- Sự căng thẳng trong việc đối phó với gia đình mở rộng.
- Kỳ vọng không thực tế: mong đợi nhiều nhưng không thực hiện được gây thất vọng.
- Hỗ trợ xã hội kém, cô lập và cô đơn
- Kiệt sức
- Không thể về nhà vào dịp lễ: nhớ gia đình và bạn bè khiến lễ tết càng cô đơn
- Nỗi nhớ về lễ tết trong quá khứ
Cha mẹ nên biết, trẻ em và vị thành niên cũng dễ bị ảnh hưởng bởi lễ tết. Những thay đổi trong thói quen, xử lý các vấn đề gia đình, nhớ bạn bè và cảm thấy stress đều góp phần vào cảm giác buồn bã và lo lâu ở trẻ. Theo dõi các dấu hiệu và nói chuyện với bác sĩ nhi khoa nếu cần, theo VWM.

Cách trị

Bác sĩ có thể không kê toa để điều trị các triệu chứng. Gặp chuyên gia trị liệu tâm lý có thể giúp bạn xác định các kiểu suy nghĩ tiêu cực góp phần gây ra cảm giác buồn bã và trầm cảm và thay thế chúng bằng điều tích cực hơn. Trị liệu cũng giúp bạn phát triển kỹ năng quản lý căng thẳng, giao tiếp và mối quan hệ tốt hơn, hữu ích trong cả ngắn hạn và dài hạn, theo VWM.
Trường hợp cần trợ giúp khẩn cấp từ bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần: triệu chứng tệ hơn hoặc không hết sau lễ tết hoặc có ý nghĩ tự tử.

Cách đối phó

Trong nhiều trường hợp, bạn có thể tự mình cải thiện hội chứng buồn dịp lễ tết bằng cách thay đổi lối sống và nhờ đến hỗ trợ xã hội. Cụ thể:
- Tránh uống quá nhiều rượu bia: Rượu là một chất gây trầm cảm. Uống quá nhiều làm trầm trọng thêm bất kỳ cảm giác tiêu cực nào mà bạn có.
- Đừng cô lập chính mình: Xa lánh xã hội là một yếu tố nguy cơ trầm cảm chính.
- Tập thể dục thường xuyên: Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Mỹ phát hiện ra rằng chỉ 1 giờ hoạt động thể chất mỗi tuần là đủ để ngăn ngừa các trường hợp trầm cảm trong tương lai.
- Đặt giới hạn: Học cách nói không với những lời nhờ vả để dành đủ thời gian cho bản thân thư giãn và tận hưởng. Nếu làm việc xuyên lễ thì cũng cố sắp 15 - 20 phút/ngày yên tĩnh, đọc sách, nghe nhạc, tắm, tập yoga...
- Mong đợi thực tế: Lên kế hoạch những việc bạn muốn làm một cách hợp lý. Cầu toàn quá chi cho thêm căng thẳng.
Bằng cách hiểu hội chứng buồn dịp lễ tết, bạn có thể kiểm soát các tác nhân nói trên trước khi chúng tước đi hạnh phúc của bạn. Chúc bạn có một cái tết ấm áp, vui vẻ nhé!, theo VWM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.