Đó là tuyên bố chính thức của các nhà khoa học trong tháng này. “Giả thuyết phi thuyền ngoài hành tinh là một ý tưởng thú vị, nhưng kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy sự tồn tại của nó có thể được giải thích dựa trên các hiện tượng tự nhiên”, tờ USA Today dẫn lời ông Matthew Knight, tác giả cuộc nghiên cứu thuộc Đại học Maryland.
Thiên thể trên, được đặt tên là Oumuamua (tiếng bản địa Hawaii có nghĩa là “tàu trinh sát” hoặc “người gửi thông điệp”), ngay từ đầu đã trở thành đề tài tranh luận trong giới thiên văn học. Ban đầu, các chuyên gia cho rằng nó là một sao chổi, kế đến chuyển sang nhóm tiểu hành tinh trước khi một lần nữa được cho là sao chổi, dù đến nay vẫn chưa ai có thể xác định nó thuộc nhóm nào. Tất nhiên, giả thuyết Oumuamua thuộc về một nền văn minh xa xôi cũng nhận được nhiều sự tán thưởng.
“Trong khi xuất xứ từ không gian liên vì sao của Oumuamua biến nó thành vật thể độc nhất vô nhị, nhiều đặc điểm của thiên thể này cho thấy nó thuộc về hệ mặt trời của chúng ta”, đồng tác giả Robert Jedicke của Đại học Hawaii nhấn mạnh.
Trên thực tế, quỹ đạo của Oumuamua (tức đi xuyên qua hệ mặt trời) phù hợp với dự đoán của chuyên gia Jedicke và các đồng sự, trước khi thiên thể này được phát hiện khoảng 6 tháng.
Oumuamua, chiều dài khoảng 400 m, lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 10.2017 nhờ vào kính viễn vọng trên đỉnh Haleakala ở đảo Maui thuộc Hawaii. Vài tuần sau đó, các kính viễn vọng khác trên thế giới cũng như trên quỹ đạo trái đất tiếp tục dõi theo chuyển động của nó trong lúc thiên thể lao nhanh qua hệ mặt trời với tốc độ 137.920 km/giờ. Giờ đây, dù các nhà thiên văn học xác định được nguồn gốc của nó, nhưng “chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ thứ gì như Oumuamua và vì thế nó vẫn còn là một bí ẩn”, tiến sĩ Knight kết luận trong báo cáo đăng trên chuyên san Nature Astronomy.
Bình luận