Ly kỳ chuyện cọp: Đỡ đẻ cho chúa sơn lâm

08/11/2015 05:52 GMT+7

Giai thoại về một phụ nữ làm “bà mụ” cho cọp là thông điệp mà người xưa muốn gửi gắm đến hậu thế: thiên nhiên dù có sức mạnh đến đâu vẫn rất cần đến trái tim nhân hậu của con người.

Giai thoại về một phụ nữ làm “bà mụ” cho cọp là thông điệp mà người xưa muốn gửi gắm đến hậu thế: thiên nhiên dù có sức mạnh đến đâu vẫn rất cần đến trái tim nhân hậu của con người.

Miếu cọp ở xã Phước Đồng (TP.Nha Trang) 	- Ảnh: N.CMiếu cọp ở xã Phước Đồng (TP.Nha Trang) - Ảnh: N.C
Bà mụ bất đắc dĩ
Người dân xã Ninh Thọ, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn truyền miệng câu chuyện về một phụ nữ đỡ đẻ cho cọp. Tương truyền, người dân quen gọi bà là bà Ba, được xem là người đỡ đẻ “mát tay” trong vùng. Một đêm nọ, bà Ba bỗng mất tích. Gia đình hốt hoảng, sợ bà bị cọp bắt nên cùng dân làng tỏa đi tìm. Nhiều ngày không thấy dấu vết gì, người nhà hết hy vọng, đành về lập bàn thờ, hương khói cho bà. Thế rồi, một đêm nọ, gia đình bà Ba nghe tiếng động ngoài cửa, ra xem thì hoảng hồn vì thấy bà xuất hiện trước cửa nhà. Mọi người ngỡ rằng bà hiện hồn về nên vái lạy lia lịa. Đến khi bà lên tiếng “tui đây chứ ma nào”, mọi người mới mừng rỡ và lập tức dỡ bỏ bàn thờ.
Gia đình bà Ba mở tiệc mừng, dân làng cũng đến chia vui và được nghe bà kể một câu chuyện quá đỗi ly kỳ. Đúng là bà bị một con cọp đực bắt, tha lên núi, đưa vào hang. Trong hang, bà thấy một cọp cái với cái bụng to, đang rên vì những cơn đau. Bà biết là cọp cái sắp sinh nhưng vì lý do gì đó nên gặp khó, vì thế cọp đực đã xuống núi nhờ bà giúp đỡ. Sau khi đỡ đẻ cho cọp “mẹ tròn con vuông”, bà Ba ở lại hang thêm ít ngày để chăm sóc mẹ con cọp. Mỗi ngày cọp đực lại đi kiếm trái cây rừng đem về làm thức ăn cho bà. Khi cọp mẹ đã lại sức, cọp con cứng cáp, cọp đực mới “cõng” bà Ba về lại nhà.
Dân gian còn truyền rằng, sau khi bà Ba mất, thỉnh thoảng người nhà lên thăm mộ bà thì thấy nhiều dấu chân cọp quanh mộ. Người ta tin rằng gia đình cọp đã về viếng người phụ nữ đã từng giúp đỡ chúng.
Cụ ông Nguyễn Cư (80 tuổi) ở Ninh Thọ nói rằng, thật khó để nói câu chuyện người đàn bà đỡ đẻ cho cọp có thật hay không. Nhưng có lẽ qua câu chuyện trên, người xưa muốn gửi gắm đến hậu thế rằng sự từ bi của con người sẽ làm cho muôn loài trở nên hiền hòa hơn.
Người và cọp sống thuận hòa
Người dân địa phương thường truyền nhau hai câu thơ của nhà nho Thuần Phu Trần Khắc Thành: “Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt. Phước Hải xuân về cọp thưởng mai”. Theo các cụ lớn tuổi, khoảng trước năm 1954, P.Phước Hải của Nha Trang có một rừng mai khá lớn. Mỗi khi xuân về, mai nở vàng rực cả một vùng. Nhiều người lên rừng lấy mai về chơi đã trông thấy cọp lững thững ở khu vực này. Tuy nhiên, cọp dường như chỉ “thưởng thức” vẻ đẹp của mùa xuân, chứ không hề tấn công người.
Cụ ông Lê Minh, 85 tuổi, cho biết: “Cọp ngày đó hiền lắm. Có lần vào buổi chiều, chúng tôi trèo lên cây cổ thụ chơi, thấy cọp đùa giỡn với nhau. Mấy người bạn tôi kể lại còn thấy cả đôi cọp... làm tình. Sau này, rừng mai bị con người lấn dần để làm nhà, trồng cây, cọp cũng dần dần vắng bóng”. Về sự “hiền lành” của cọp, nhà thơ Giang Nam, sống ở Nha Trang, nói: “Cọp Khánh Hòa nói chung và Nha Trang nói riêng nổi tiếng nhiều, nhưng cũng có tiếng hiền. Thế nên người xưa mới có câu “hiền như cọp Khánh Hòa”. Dân gian lưu truyền câu chuyện rằng thời Pháp thuộc, có nhà yêu nước đến Khánh Hòa vận động cách mạng, nói với một người bạn rằng: “Nhân sĩ Khánh Hòa hiền lành quá”. Ông bạn đáp lại: “Cọp còn thế huống chi người!”. Cọp “hiền” có lẽ do quen sống gần người. Điều đó cũng thể hiện rằng thời ấy con người sống rất thuận hòa với thiên nhiên.
Sự gần gũi giữa con người và chúa sơn lâm còn được thể hiện trong câu chuyện về những “ông cọp đi tu” ở xã Phước Đồng (TP.Nha Trang). Hiện nay, bên cạnh miếu “cậu” ở xã Phước Đồng, có một miếu cọp. Miếu là một hang đá nhân tạo, bên trong có 5 “ông” cọp. Theo ông Nguyễn Nhân (76 tuổi), người địa phương, các cụ ngày trước kể rằng xưa kia khu vực này là vùng đất hoang vu. Có vị sư tu tập tại đây, không may bị bệnh hiểm nghèo, ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, vị sư lại thấy người khỏe mạnh, bệnh tật tiêu tan như được ai đó cứu giúp. Vị sư lập miếu “cậu” để tỏ lòng biết ơn người đã giúp mình. Về sau, nhiều đêm vị sư tụng kinh gõ mõ, thường xuất hiện một đàn cọp đến rất gần. Cọp không hại người mà còn chăm chú nghe kinh, đầu gật gù theo tiếng mõ. Khi đêm đã khuya, kinh kệ xong, đàn cọp lại quay về rừng. Sau này, có lẽ vì già chết, đàn cọp không xuất hiện nữa và một miếu cọp được dựng ngay cạnh miếu “cậu”.
Thấy tôi có vẻ thắc mắc về thái độ kỳ lạ của các “ông” cọp, ông Nhân giải thích: “Khi con người sống hòa thuận với thiên nhiên thì có thể cảm hóa, thuần phục được loài hung bạo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.