Ly kỳ chuyện cọp: Thoát khỏi nanh cọp

05/11/2015 05:54 GMT+7

Khánh Hòa xưa nhiều cọp. Chẳng thế mà có câu: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Bên cạnh những chuyện cọp bắt người - người bắt cọp, người Khánh Hòa còn lưu truyền những giai thoại về sự gần gũi giữa chúa sơn lâm với con người như lời nhắc nhở: cần sống thân thiện với thiên nhiên.

Khánh Hòa xưa nhiều cọp. Chẳng thế mà có câu: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Bên cạnh những chuyện cọp bắt người - người bắt cọp, người Khánh Hòa còn lưu truyền những giai thoại về sự gần gũi giữa chúa sơn lâm với con người như lời nhắc nhở: cần sống thân thiện với thiên nhiên.

Bà Kiều Thị Tô với những vết sẹo trên cánh tay trái do bị cọp vồ - Ảnh: Gia đình bà Tô cung cấpBà Kiều Thị Tô với những vết sẹo trên cánh tay trái do bị cọp vồ - Ảnh: Gia đình bà Tô cung cấp
Múa dao đánh cọp, cứu người
Cọp dữ đã “tặng” bà Kiều Thị Tô những vết sẹo sâu hoắm trên bả vai và cánh tay trái. Từ khi bị cọp vồ cho đến khi mất vào năm 2013, bà Tô phải sống với cánh tay yếu ớt và thường đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Trước khi bà Tô mất, chúng tôi có dịp thăm bà tại căn nhà trên đường Trần Quý Cáp (TP.Nha Trang) và được nghe kể lại câu chuyện bà thoát khỏi nanh cọp dữ. Con cháu bà Tô hôm nay vẫn không quên câu chuyện “cọp vồ” này từ mẹ và bà của mình.
Bà Tô kể, vào năm 1969, khi đó bà mới 25 tuổi, tham gia kháng chiến tại huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Đơn vị bà Tô đóng tại khu rừng thuộc xã Liên Sang (H.Khánh Vĩnh). Một hôm, bà khó ngủ nên dậy sớm, xuống bếp nói với người đang chuẩn bị bữa sáng vào ngủ thêm để bà nấu ăn giúp. Khi bà Tô đang nhen lửa, bỗng có cảm giác nhói buốt tận óc. Bà lấy tay phải quơ ra sau thì thấy hai chân cọp đang quặp chặt bả vai và cánh tay mình, miệng cọp phả phì phò hôi như chuột chết.
Bà hô hoán: “Cọp! Cọp! Cứu tôi với!...”. Rất nhanh, cọp lôi bà Tô giật lùi, ra khỏi lán bếp. Bà Tô quơ tay, quơ chân mong vớ được bất cứ thứ gì “níu” mình lại. Cọp kéo lê bà đến gần chục mét, tay phải bà Tô nắm được một cây rừng nhỏ, hai chân kẹp luôn vào cây, căng sức giữ chặt và tiếp tục la lớn: “Cứu tôi với! Cọp! Cọp!...”. Khi bà gần kiệt sức thì nghe từ trong lán tiếng bước chân thình thịch, tiếng người vang vọng: “Chị Tô bị cọp bắt! Chị Tô bị cọp bắt! Mọi người ơi, cứu!”.
Lúc này, trong đơn vị có ông Tiến Long, là người gốc Bình Định, rất giỏi võ. Ông Long cầm rựa, hướng về phía tiếng bà Tô đang gào thét mà xộc tới. Cọp thấy người khác đến, bất ngờ ngoạm sâu vào cánh tay bà Tô. Dù đau thấu trời, bà vẫn cố bám chặt gốc cây. Việc giằng co khiến bắp thịt bà bị xé toác, nhưng đau đớn vẫn còn hơn khi buông tay, cọp có thể tha đi, mất hút trong bóng tối. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, bà Tô thấy ông Long tay múa võ, chân bấm đất, lấn lại gần, rồi dùng rựa móc trúng nách cọp. Trúng đòn, con cọp nhả “mồi”, rống lên thống thiết, bỏ chạy. Bà Tô được mọi người sơ cứu, rồi khiêng đến bệnh xá chữa trị, ngày hôm sau mới tỉnh lại.
Chị Đỗ Thị Thu Ngân, con gái bà Tô, cho biết thêm: “Cuộc sống sau này, mọi việc mẹ tôi hầu như chỉ làm bằng tay phải. Cánh tay trái bị cọp vồ yếu đến nỗi mẹ cầm chén cơm không đưa lên miệng được. Sau giải phóng, mẹ tôi và các chú, các bác mỗi khi gặp nhau vẫn hay kể lại chuyện cọp vồ. Mẹ còn kể lúc cọp thấy có người đến cứu bà, hai mắt nó đỏ như hai hòn than. Do bị cọp cắn giập cánh tay, rách toác, sâu hoắm nên các bác sĩ phải lấy da đùi bà để “vá” lên vết thương”.
Hiểm nguy luôn rình rập
Ông Nguyễn Sơn Tùng, năm nay 78 tuổi, trú P.Phước Tiến (TP.Nha Trang), là bạn thân với ông Đỗ Kế (sau này là chồng bà Tô) và thân thiết với gia đình bà Tô cho đến khi ông Kế, rồi bà Tô lần lượt ra đi vì tuổi già.
Ông Tùng còn kể câu chuyện khác về cọp. Hồi đó, Khánh Sơn còn hoang vu, cây rừng rậm rạp. Điện chưa vươn tới nên đêm đến học sinh phải đốt lồ ô lấy ánh sáng học bài. Một đêm, khi ông Tùng đang dạy học, bỗng nghe tiếng kêu éc éc vang trời. Học sinh nói: “Rumong! Rumong má un!” (tiếng Raglai nghĩa là “Cọp! Cọp bắt heo!”). Biết heo nhà bị cọp bắt, học sinh tạm nghỉ, cầm đuốc lần theo dấu máu, qua hai quả đồi thì thấy xác con heo khoảng 40 kg bên suối, bộ lòng đã bị cọp moi. Học sinh trói chân heo, xỏ đòn khiêng về. Ngay trong đêm, mọi người nổi lửa quay heo làm thức ăn dự trữ vì sợ ban ngày nấu nướng, có cột khói, máy bay địch phát hiện.
Theo ông Tùng, hồi đó Khánh Sơn cũng nhiều cọp. Cọp thường về làng bắt heo, bò, có khi vồ cả người. Đồng bào dân tộc cũng rất sợ cọp, nhưng bà con truyền nhau cách đối phó với cọp là khi vào rừng hay ra đường vào ban đêm thì tay cầm một khúc cây vót nhọn, thế chống lên trời. Cọp có sở trường nhảy cao chụp mồi nên rất ngại cây nhọn dựng đứng. Khi gặp cọp, người ngồi ụp xuống, dựng đứng gậy thì cọp phải dè chừng vì mũi nhọn có thể xóc thủng bụng cọp.
Cọp được ghi chép vào sách
Trong cuốn Khánh Hòa - Diện mạo văn hóa một vùng đất, nhà nghiên cứu Lê Quang Nghiêm viết: “Nói về cọp, tỉnh nào cũng có, riêng vùng núi rừng Khánh Hòa giáp giới các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phú Yên, có lẽ do địa thế và môi trường thích hợp, cọp ở quá nhiều, gieo tai họa khủng khiếp và tang tóc cho dân lành hàng bao thế kỷ nên đã thành danh “cọp Khánh Hòa”.
Cách nay trên 100 năm, dân H.Vạn Ninh, Ninh Hòa làm nghề rừng và đi tìm trầm kỳ trong núi, nhiều người mất mạng vì cọp, beo”. Trong Non nước Khánh Hòa, Nguyễn Đình Tư cho biết: “Phía dưới chân núi Hoa Sơn (H.Vạn Ninh, Khánh Hòa) có truông Hụt. Sở dĩ có tên truông Hụt vì xưa kia nơi này rất nhiều cọp. Khách bộ hành qua đây thường bị cọp vồ. Ai qua được trót lọt thì ví như người ấy đã chết hụt vậy”.
Còn trong Xứ trầm hương của nhà thơ Quách Tấn có đoạn: “Ở H.Vạn Ninh, ngày xưa có một ông tiều tục gọi là lão Hảo, bị cọp tại đèo Dốc Thị chụp tuột da đầu, nên địa phương mới có câu Tuột da lão Hảo, truyền cho đến ngày nay...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.