Ly kỳ chuyện đám cưới... liệt sĩ

Quang Viên
Quang Viên
01/05/2022 05:53 GMT+7

Trong tháng 4.2022, một lễ cưới kỳ lạ đã diễn ra tại nhà gái, nhà trai và cả nghĩa trang liệt sĩ. Đó là lễ cưới dành cho đôi uyên ương đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cô dâu là Nguyễn Thị Diện, chú rể là Đặng Văn Cự.

Sau 50 năm, không ai ngờ đôi trai gái trong một đơn vị, hy sinh cùng ngày, được chôn cất cạnh nhau tại nghĩa trang liệt sĩ (LS) từng là đôi tình nhân yêu nhau thắm thiết. Cho đến khi tấm ảnh chụp bia mộ của họ được “lão khùng” Nguyễn Sỹ Hồ (một người chuyên tìm mộ LS miễn phí) đưa lên mạng, thì mảnh ghép cuối cùng đã tìm thấy, và lễ cưới đặc biệt được diễn ra.

Chuyện tình đẹp và nỗi trăn trở

Được ông Nguyễn Sỹ Hồ giới thiệu, nhưng sau nhiều lần tôi mới liên hệ được với cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tường, em trai của nữ LS Nguyễn Thị Diện. Ông Tường cho biết tháng 3.1968, những thanh niên của quê hương Đô Lương, Nghệ An, hành quân về sông Gianh (Quảng Bình) nhận nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược… cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1968, trong tình hình chiến tranh khốc liệt, đơn vị “Thanh niên tình nguyện kết nghĩa Quảng Bình” được thành lập. Chị Nguyễn Thị Diện (sinh năm 1947), quê Đô Lương, Nghệ An và anh Đặng Văn Cự (sinh năm 1946) quê Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Hiệp Hòa, Bắc Giang) cùng gia nhập đơn vị này để cống hiến tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Hai họ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hải Thanh (Đồng Hới, Quảng Bình)

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Ngày ấy, Nguyễn Thị Diện là cô gái xinh đẹp nhất xã Nam Sơn, H.Đô Lương. Chị có dáng người cân đối, tóc dài đen mượt. Người con gái xứ Nghệ này còn nổi tiếng thông minh, khéo tay, nhanh nhẹn và sống vui vẻ hòa đồng… nên ai cũng quý mến. Các chàng trai say chị Diện như điếu đổ, nhưng chẳng ai làm chị xiêu lòng. 23 tuổi, chị Diện được kết nạp Đảng và được bầu làm bí thư chi đoàn. Còn anh Đặng Văn Cự là con cả trong gia đình có 10 người con. Anh không đẹp trai, nhưng thật thà chất phác, cùng sự chín chắn của người thanh niên dạn dày sương gió. Họ ở hai nhà dân gần nhau thuộc H.Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, cùng tham gia công tác mở tuyến, thông luồng, vận chuyển hàng, giúp dân làm nông nghiệp, đào hầm, cứu thương… “Trong gian khổ và sống giữa lằn ranh sinh tử của cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng tình yêu giữa cô bí thư Đoàn với anh đội trưởng vận tải hàng hóa Đặng Văn Cự đã âm thầm nảy nở tha thiết lắm”, ông Tường chia sẻ.

Trong một bức thư gửi về gia đình, chị Diện hạnh phúc bày tỏ: “Con đã đi rất lâu như chưa về nhà. Nhưng, con sẽ dồn ngày phép bốn năm để về tết 1973. Ngày đó, con sẽ đưa chàng rể ngoài Bắc về ra mắt họ hàng”. Thế nhưng, dự định đó đã không thành. Ngày 29.12.1972, khi gần đến cái tết 1973, đôi uyên ương tài sắc đã hy sinh trên dòng sông Gianh, gần khu vực Bến Đò Vàng. Ông Nguyễn Hữu Tường rưng rưng kể: “Trong một lần tham gia công tác cùng đơn vị, chiếc thuyền di chuyển trên sông gặp gió lớn, chao đảo, anh Cự bị rơi xuống sông. Vì anh Cự không biết bơi nên chị Diện đã lao xuống cứu, gặp dòng nước chảy xiết, cả hai mãi mãi ra đi”.

Nỗi niềm cứ đau đáu trong lòng ông Tường và gia đình ông Cự là chẳng hiểu sao năm 1995 bà Nguyễn Thị Diện đã được công nhận LS, còn ông Đặng Văn Cự thì không. Theo chị Đặng Thị Ánh (cháu ruột ông Cự), gia đình đã gặp các cơ quan chức năng xin hồ sơ để làm chính sách LS cho ông Đặng Văn Cự nhưng không được. “Họ bảo đang thay đổi điều khoản gì đó nên lại về tay không. Dù có muộn màng, nhưng gia đình cháu mong bác Cự được công nhận LS để bác ấy có thể ngậm cười nơi chín suối, người thân còn sống cũng được an ủi phần nào”, chị Ánh bùi ngùi tâm sự.

Họ nhà gái làm lễ bên mộ liệt sĩ Đặng Văn Cự

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Đoàn nhà trai thăm mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Diện

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Ly kỳ hành trình tìm mộ

Biết tin chị Diện và anh Cự hy sinh, nhưng tình hình cuộc chiến khốc liệt nên gia đình họ không thể biết hai người được chôn cất ở đâu. “Mẹ tôi đau xé ruột khi hay tin chị mất. Nhìn những kỷ vật của chị, mẹ tôi khóc mãi. Nhiều năm mẹ tôi ray rứt làm răng tìm được mộ chị Diện. Nhưng ngày ấy biết đâu mà tìm”, ông Tường tâm tình. Vò võ mãi trong lòng, sau năm 1975, ông Tường quyết tâm tìm cho được mộ chị. Nhưng ông cũng không biết lần đâu ra manh mối. Rồi trong những giấc chiêm bao cứ lặp lại câu ai đó nói văng vẳng “Tìm đi rồi sẽ thấy” bên tai ông. Thế là ông dứt khoát phải đi tìm mộ chị. “Tôi đạp xe đi trong vô định đến Bến Đò Vàng tìm tin tức chị, hỏi han thông tin mộ chị ở đâu. Trong hành trình đó, tôi đã đến lễ Phật tại một ngôi chùa. Tại đây, tôi bất ngờ được nhận một bài thơ đi tìm mộ và thấy nó quá trùng khớp với mình. Có lẽ trời phật và linh hồn của chị đã mách bảo tôi”, ông Tường thổ lộ. Bài thơ có nội dung như sau: “Chẳng có điều chi nghi ngại/Thờ mãi trong tâm/Ông thần tổ gây mầm con đó/Báo cho con mộ này vẫn có/Một niềm tin hoa đỏ bình yên/Gặp trục trặc con đừng sợ thiệt/Tam ba bận thấy liền lệnh mẹ/Điều vô hình tháng lẻ thì hay/Nếu tháng chẵn một đường chim bay/Lời hứa hẹn đêm nằm khó ngủ/Nước hiền hòa mẹ ủ mầm non/Phúc nhà con vẫn còn con ạ/Điều hiển vinh hả dạ mai sau/Con về 9 nước, 9 thau/Lạy bà cô tổ đi mau tháng 10…”. “Quyết tâm của bản thân và hình như có sự dẫn dắt vô hình nào đó giúp tôi đã tìm được mộ chị sau hơn hai mươi năm mòn mỏi đợi chờ”, ông Tường nói thêm.

Về phía gia đình ông Đặng Văn Cự, người mẹ già hơn 90 tuổi đã 50 năm ròng mòn mỏi mong ngày thấy được mộ con. Trước ngày nhắm mắt, bà dặn dò một người cháu phải tìm được mộ bác Cự. Người cháu đó là Đặng Thị Ánh. Chị Ánh tiết lộ: “Cháu liên tiếp có những giấc mơ thật lạ lùng về bác Cự. Cháu như được giao phó để tìm mộ bác và tin sẽ có ngày tìm được”. Đợi chờ, hy vọng, cuối cùng chị Ánh đã tìm được mộ người bác nhờ tấm hình ông Nguyễn Sỹ Hồ chụp ngôi mộ mang tên Đặng Văn Cự tại nghĩa trang LS P.Hải Thanh, TP.Đồng Hới đưa lên website www.nguoiduado.vn. Sau này đến đây, chị Ánh và gia đình còn ngỡ ngàng hơn, vì mộ bác Cự nằm sóng đôi bên mộ LS Nguyễn Thị Diện, người phụ nữ mà trước đây bà của chị có nói đó là người yêu của bác Cự.

Thiết kế ghi nhớ ngày cưới của hai liệt sĩ

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Đám cưới cho người cõi âm

50 năm kể từ ngày đôi uyên ương tài sắc hy sinh, ngày 4.4.2022, vào lúc 8 giờ 20, đại diện đàng trai, đàng gái đã tổ chức lễ se duyên cho cô dâu Nguyễn Thị Diện và chú rể Đặng Văn Cự tại nhà gái. Ngày 5.4.2022, hai gia đình đến mộ của họ tại nghĩa trang LS làm lễ trước đài Tổ quốc ghi công và các đồng đội đã nằm xuống nơi đây. Ông Nguyễn Hữu Tường kể lại một chi tiết rất kỳ lạ. Theo đó, khi lời văn khấn vừa xong, nhang cắm lên, hoa quả lễ lạt bày xong thì một con bướm trắng bay về đậu trên bó hoa cắm ở mộ chị Diện. Cùng lúc đó, bát hương trên đài LS hóa đỏ, hương cắm trên mộ anh Cự cũng bốc cháy...

Sau buổi lễ tại nghĩa trang, ngày 6.4.2022 họ nhà gái đã về nhà em trai của ông Đặng Văn Cự là ông Đặng Văn Cầm (ông Cầm thờ cúng ông Cự). Tại đây diễn ra hôn lễ chính thức tác thành cho đôi uyên ương. Đàng trai đã tổ chức bữa tiệc nhỏ có sự góp mặt của đầy đủ anh em con cháu và họ hàng và chính thức đưa tên Nguyễn Thị Diện về gia phả của dòng họ Đặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.