Ly kỳ chuyện xem đá banh ở Triều Tiên

17/05/2013 10:45 GMT+7

(TNO) BBC vừa đăng tải bài viết của một phóng viên hãng tin này, trong vai một du khách, thuật lại câu chuyện ly kỳ đi xem đá banh ở Triều Tiên.

(TNO) Du khách nước ngoài đến Triều Tiên được phép vào xem các trận đấu thể thao cùng với hướng dẫn viên đi kèm. Nhiều người cho biết bóng đá ở quốc gia bí ẩn này có sự khác biệt lớn so với phần còn lại của thế giới.

BBC cho biết vé vào sân vận động quốc gia Kim Nhật Thành, với sức chứa 50.000 chỗ ngồi, thường được bán sạch.

Bên ngoài sân vận động hoàn toàn không có các quầy bán thức ăn nhanh cho cổ động viên, còn bên trong, từng hàng người xem đá banh mặc bộ cánh giống hệt nhau, với áo khoác đen, cà vạt đỏ và một huy hiệu nhỏ có hình ông Kim Nhật Thành trên ngực áo, ngồi xem lặng lẽ.

Có mặt cùng một số du khách nước ngoài khác tại sân banh, phóng viên BBC Tim Hartley thuật lại rằng có nhiều cổ động viên là quân nhân trong quân phục màu xanh lá và một số chỉ im lặng ngồi đọc báo, không tỏ ra hứng thú gì đến trận đấu, như thể họ chỉ được lệnh đến để giám sát trận đấu mà thôi.

Du khách nước ngoài kể chuyện coi đá banh tại Triều Tiên
Cổ động viên Triều Tiên trong trang phục y hệt nhau ngồi xem đá banh tại sân vận động Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: Getty Images

Trận đấu mà Tim Hartley dự khán diễn ra tẻ nhạt giữa Câu lạc bộ Amrokgang (thuộc Bộ An ninh Nhân dân Triều Tiên) và Câu lạc bộ Bình Nhưỡng.

Trận đấu được bắt đầu vào lúc 9 giờ 30 phút sáng và trên khán đài không hề có tiếng reo hò cổ vũ, chỉ có tiếng xầm xì khe khẽ phát ra từ các dãy ghế.

Đội khách Amrokgang có phần lấn lướt trong hiệp một, nhưng Bình Nhưỡng vùng lên sau đó và ghi một bàn từ quả đá phạt penalty.

Dù có bàn thắng nhưng không hề có một phản ứng phấn khích nào từ khán đài.

Du khách nước ngoài được ngồi ở khu vực ghế VIP với giá khoảng 40 USD/vé. Một vài người trong số này đã thử hò reo: “Bình Nhưỡng! Bình Nhưỡng!” để khuấy động không khí. Đáp lại họ là những ánh mắt nhìn chằm chằm từ cổ động viên địa phương, phóng viên BBC cho hay.

Thành tích tốt nhất của đội tuyển quốc gia Triều Tiên là chiến thắng 2-0 trước Ý để đoạt vé vào bán kết World Cup 1966.

Họ cũng vào đến vòng chung kết World Cup năm 2010 ở Nam Phi.

Tại World Cup 2010, huấn luyện viên tuyển quốc gia Kim Jong-Hun phát biểu trong một cuộc họp báo rằng ông thường nhận “chỉ đạo chiến thuật trong các trận đấu” từ cố lãnh đạo Kim Jong-il “thông qua loại điện thoại di động không thể nhìn thấy bằng mắt thường” và "điện thoại tàng hình" này do chính lãnh đạo Kim chế tạo, theo BBC.

Du khách nước ngoài kể chuyện coi đá banh tại Triều Tiên
Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đang theo dõi một trận bóng đá tại Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP

Du khách nước ngoài kể chuyện coi đá banh tại Triều Tiên
Nguyên huấn luyện viên tuyển quốc gia Triều Tiên Kim Jong-Hun (giữa) cho biết ông thường nhận chỉ đạo chiến thuật từ ông Kim Jong-il thông qua "điện thoại di động tàng hình" do chính vị cố lãnh đạo phát minh (?) - Ảnh: Getty Images 

Tuy nhiên, đội tuyển Triều Tiên đã không đoạt được vé để tham dự vòng chung kết World Cup tại Brazil vào năm 2014.

Trận đấu cuối cùng của đội tuyển là trận giao hữu có kết quả hòa không bàn thắng với tuyển Cuba, theo BBC.

Trở lại với trận đấu tại sân vận động Kim Il-Sung, Amrokgang tiếp tục bị một quả phạt đền sau khi một tiền đạo của Bình Nhưỡng bị đốn ngã bên trong vòng cấm.

Và bàn thắng thứ hai cũng vẫn không làm thay đổi không khí trên khán đài. Đám đông cổ động viên vẫn chỉ lặng lẽ nhìn.

Cũng không có cảnh huấn luyện viên chạy ra ngoài đường biên chúc mừng cầu thủ, hay cảnh các cầu thủ đập tay, vỗ vai nhau để ăn mừng bàn thắng.

Du khách nước ngoài kể chuyện coi đá banh tại Triều Tiên
Sân vận động Kim Nhật Thành với sức chứa 50.000 chỗ ngồi luôn chật cứng khán giả, nhưng không khí trên khán đài rất im ắng, khác xa không khí lễ hội tại các sân vận động trên thế giới - Ảnh: Getty Images

Vào giờ nghỉ giữa hiệp, cổ động viên trên khán đài được nghe nhiều bản nhạc từ hai ban nhạc kèn đồng đứng sau hai khung thành.

Hai ban nhạc thay phiên nhau chơi nhiều nhạc phẩm khác nhau, nhưng chẳng nhận được nhiều sự quan tâm từ đám đông khán giả.

Sang hiệp hai, vào những phút bù giờ, chủ nhà Bình Nhưỡng gia tăng sức ép lên khung thành đối phương.

Cổ động viên Triều Tiên dường như có chút hào hứng trước viễn cảnh được thấy thêm một bàn thắng nữa.

Và cuối cùng, Bình Nhưỡng đã có bàn thắng thứ ba ở phút thứ 94 bằng một cú sút chìm từ một pha phối hợp tốt để kết thúc trận đấu với tỉ số 3-0.

“Tôi cứ hi vọng sẽ thấy đám đông khán giả ra về trong hân hoan trước chiến thắng của đội nhà, nhưng không, đám người lần lượt rời khỏi sân vận động trong im lặng”, phóng viên Hartley kết thúc bài tường thuật.

Du khách nước ngoài kể chuyện coi đá banh tại Triều Tiên
Các tuyển thủ quốc gia Triều Tiên khởi động tại sân vận động Makhulong (Nam Phi) để chuẩn bị cho trận giao hữu với Nigeria hồi năm 2010 - Ảnh: AFP

Du khách nước ngoài kể chuyện coi đá banh tại Triều Tiên
Nhân viên an ninh Triều Tiên vây quanh cổ động viên Nhật Bản (trong trang phục xanh dương) trong trận đấu vòng loại World Cup 2014 diễn ra ở Bình Nhưỡng vào ngày 15.11.2011. Trận này đội tuyển Triều Tiên thắng tuyển Nhật Bản 1-0 - Ảnh: AFP

Hoàng Uy

>> Người Triều Tiên không mụ mị như thế giới vẫn tưởng
>> Thâm nhập trường thiếu sinh quân Triều Tiên
>> Làm sao Mỹ biết Triều Tiên có vũ khí hạt nhân?
>> Ly kỳ vụ "đào tẩu" khỏi quê nhà của một gia đình Triều Tiên  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.