Ly kỳ cuộc đời điệp viên giúp xây nhà hát con sò

01/06/2019 11:30 GMT+7

Từng bị ép thiết kế tên lửa cho Đức Quốc xã, điệp viên Pháp Joseph Bertony là người góp công lớn trong việc xây dựng nên nhà hát opera biểu tượng của nước Úc.

 
Trong số hàng ngàn người châu Âu tìm đến Úc để xây dựng cuộc sống mới sau Thế chiến 2 có cựu điệp viên Pháp Joseph Bertony, người đóng vai trò quan trọng trong công trình Nhà hát opera Sydney. Tờ The Sydney Morning Herald vừa đăng tải nhiều tư liệu về cuộc đời của nhân vật ít người biết đến này sau khi ông qua đời hồi tháng 4, hưởng thọ 97 tuổi.
Ông Bertony sinh tại đảo Corsica ở Địa Trung Hải vào năm 1922. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông gia nhập hải quân Pháp và được cử đi học kỹ sư hàng hải rồi làm việc cho cơ quan tình báo. Sau khi Thế chiến 2 nổ ra năm 1939, Bertony chỉ hoạt động điệp báo được một thời gian ngắn trước khi bị lực lượng mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã phát hiện và giam giữ tại trại tập trung Mauthausen-Gusen thuộc Áo, nơi ước tính có 320.000 tù nhân đã thiệt mạng. Tuy nhiên, trong một lần chuyển trại, lợi dụng lúc lính gác lơ là, ông bỏ trốn và quay về nước tiếp tục phục vụ kháng chiến chống quân Đức.
Sau đó, Bertony bị bắt lần thứ hai ở Paris và đưa đến trại tập trung Buchenwald ở miền trung Đức, theo BBC. Tại đây, với kiến thức kỹ thuật của mình, ông bị ép buộc tham gia phát triển các loại vũ khí, trong đó có bom bay V-1 (tiền thân của tên lửa hành trình) và tên lửa V-2, được coi là tên lửa đạn đạo đầu tiên của thế giới.
Vào thời điểm phe Đồng minh tiến quân giải phóng trại Buchenwald năm 1945, ông Bertony cùng nhiều tù nhân khác bị lính Đức áp giải đến một vùng núi gần biên giới với CH Czech ngày nay. Nhóm tù nhân bị nhồi nhét trong các toa tàu hàng và lần lượt bị hành quyết tại mỗi điểm dừng. Lường trước được số phận, ông Bertony cùng một người khác quyết định nhảy xuống lúc đoàn tàu di chuyển. Hai người trong bộ quần áo tù nhân mỏng tang đi chân trần trong tuyết và không có thức ăn trong 10 ngày cho đến khi được tìm thấy.
Sau khi đến Úc để tái định cư năm 1952, ông Bertony chuyển đến bang Queensland và làm việc cho Công ty xây dựng Hornibrook. Vào thập niên 1960, ông được điều đến Sydney để tham gia vào dự án đầy khó khăn là nhà hát opera. Thách thức lớn nhất khi đó là việc xây dựng phần khung chống đỡ mái hình cánh buồm đủ chắc chắn để có thể gánh được sức nặng của các tấm bê tông lớn.
Theo The Sydney Morning Herald, ông Bertony đã tự tay giải 30.000 phương trình toán học để tìm phương thức xây dựng phần mái. Mức độ sai số được quy định là không được lớn hơn
12,7 mm vì khi đó các tấm bê tông sẽ không khớp với nhau và khiến công trình thất bại. “Ông ấy giải 30.000 phương trình chỉ trong 6 tháng. Ông ấy ăn, ngủ và thở với Nhà hát opera Sydney”, nhà báo Helen Pitt, tác giả cuốn sách The House viết về công trình xây dựng nhà hát cho biết.
Để kiểm tra độ chính xác của các phép toán, Công ty Hornibrook đã mượn chiếc siêu máy tính IBM 7090 của một trung tâm nghiên cứu quân sự ở thị trấn Woomera cách Sydney 1.700 km về phía tây. Theo trang The Clever, IBM 7090 có khả năng thực hiện 24.000 phép tính/giây và từng được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thuê với số tiền tính ra ngày nay là nửa triệu USD/tháng. Kết quả là ông Bertony không hề mắc một sai sót nào. Nhà hát khánh thành vào năm 1973 và trở thành điểm thu hút du khách hàng đầu của Úc. Ngày nay, những phép tính của ông Bertony vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học và nghệ thuật ứng dụng ở Sydney. “Bertony là một thiên tài. Không có ông ấy, phần mái hình cánh buồm có thể không bao giờ thành hiện thực”, Giám đốc Nhà hát opera Sydney Louise Herron nói với AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.